Bất động sản

NÓNG: Hà Nội lùi thời gian khởi công siêu cầu 20.000 tỷ do liên danh Vingroup đề xuất đầu tư?

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Cầu Tứ Liên đang được lấy ý kiến, thời điểm khởi công cây cầu này sẽ lùi vào quý III/2025 thay vì thời điểm 19/5 như lãnh đạo TP đã chỉ đạo trước đó.

Mới đây, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 2: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu để tham vấn ý kiến cộng đồng.

Theo đó, cây cầu sẽ được khởi công vào quý III/2025 thay vì thời điểm 19/5 như lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo trước đó.

NÓNG: Hà Nội lùi thời gian khởi công siêu cầu 20.000 tỷ do liên danh Vingroup đề xuất đầu tư- Ảnh 1.
Vị trí các cây cầu đã đang và sẽ bắc qua sông Hồng. Ảnh chụp màn hình

Tứ Liên là một trong số 18 công trình đường bộ vượt qua sông Hồng, thuộc Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cầu Tứ Liên vượt sông Hồng dự kiến được xây dựng nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, cách cầu Long Biên khoảng 3km về phía Thượng Lưu, cách cầu Nhật Tân khoảng 4km về phía hạ lưu.

Theo BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, việc đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực, tạo tiền đề cho việc chủ trương giãn dân số và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.

NÓNG: Hà Nội lùi thời gian khởi công siêu cầu 20.000 tỷ do liên danh Vingroup đề xuất đầu tư- Ảnh 2.
Phối cảnh Dự án cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành. Ảnh minh họa

BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (chủ dự án) cho biết, cầu Tứ Liên có chiều dài tuyến khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối đường Nghi Tàm, thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Điểm cuối của cầu qua nút giao với đường Trường Sa (Quốc lộ 5 kéo dài kết nối với trục đường quy hoạch Trục Cầu Tứ Liên – Cầu Vĩnh Tuy – Cầu Thanh Trì và trục đường Tứ Liên - Cổ Loa -Quốc lộ5, thuộc địa phận xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Địa điểm xây dựng đi qua ba địa phương bao gồm quận Long Biên, Tây Hồ và Huyện Đông Anh.

Dự án này sẽ chiếm dụng diện tích khoảng gần 63ha đất. Trong đó, quận Tây Hồ là gần 28ha (đất thổ cư gần 2,3ha; đất trồng cây hàng năm hơn 12ha; đất chưa sử dụng 4,3ha; đất giao thông gần 3,5ha; đất trụ sở cơ quan gần 1,1ha; đất sông ngòi hơn 4,5ha).

Tại Quận Long Biên là gần 8,8ha (đất thổ cư hơn 1,3ha; đất trồng cây hàng năm 2,85ha; đất giao thông 0,1ha; đất sông ngòi 3,7ha; đất tôn giáo 0,75ha). Huyện Đông Anh hơn 26ha (đất thổ cư hơn 3ha; đất lúa 3,5ha; đất trồng cây hàng năm gần 6ha; đất ao 0,4ha; đất giao thông 5,1ha; đất giáo dục 0,1ha; đất sông ngòi hơn 2,6ha và đất nông nghiệp khác hơn 5,3ha).

Theo đó, hoạt động GPMB được triển khai trong nhóm dự án GPMB bao gồm các Dự án thành phần số 1.1, 1.2, 1.3 do lần lượt UBND Quận Tây Hồ, UBND quận Long Biên, UBND huyện Đông Anh thực hiện (GPMB theo quy mô hoàn thiện).

Cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng có chiều dài 1km, bề rộng 43m, bao gồm cả phần bố trí neo dây văng. Ngoài ra, cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, bề rộng 44m; cầu vượt đê tả Đuống hiện tại dài 0,08km, bề rộng 35m.

Hệ thống cầu dẫn cũng được xây dựng ở hai phía. Cầu dẫn phía Tây Hồ – Long Biên dài 1,4km, bề rộng thay đổi từ 27,5-44m. Cầu dẫn phía Đông Anh, vượt trục TC13 theo quy hoạch, có chiều dài 0,4 km, bề rộng 35m.

Tổng mức đầu tư của dự án là 20.171,840 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).

Hải Đăng - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn