Vĩ mô

Ông Trần Ngọc Báu: Lạm phát đầu năm 2024 có thể lên tới 4,6% - 4,7%

Theo ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup, lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng rất nhanh và đến 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm vẫn ở mức 3,46% nhưng sang đầu năm sau sẽ tăng mạnh lên 4,6% - 4,7%.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023" do VietnamBiz phối hợp cùng CFO tổ chức chiều 10/10, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho hay lạm phát  trong nước sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024.

https://cdn.stockproxx.com/2023/10/11/lam-phat.png

Lạm phát giai đoạn 2019 - nay. (Nguồn: WiGroup).
 
Tổng Giám đốc WiGroup cho rằng lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng rất nhanh và đến 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ.

"Theo ước tính của tôi, chỉ số giá tiêu dùng  CPI  có thể lên tới mốc 115 trong trạng thái giá dầu như hiện tại. Nếu giá dầu căng thẳng hơn nữa, câu chuyện sẽ còn tiêu cực hơn", ông Báu nói.

https://cdn.stockproxx.com/2023/10/11/lam-phat-1.png

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup. (Ảnh: VNB).

Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, ông Báu dự báo cuối năm dự báo ở mức 3,46% theo cách tính trung bình năm của Việt Nam, thấp hơn mức 4,5% mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, ngay đầu năm sau vào tháng 1, tháng 2, lạm phát có thể vọt lên 4,6%, 4,7% theo cách tính của Việt Nam. Con số này vượt xa con số trung bình các năm trước", ông nhìn nhận.

Giá dầu tăng ít nhiều ảnh hưởng đến lạm phát

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng chỉ ra rằng cuộc xung đột tại Israel sẽ tác động đến giá dầu và ít nhiều ảnh hưởng đến lạm phát. 

https://cdn.stockproxx.com/2023/10/11/lam-phat-2.png

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: VNB).

Theo ông Minh, xung đột trong những ngày cuối tuần qua ảnh hưởng rất nhiều đến chứng khoán toàn cầu cũng như thị trường hàng hóa. Phiên ngày thứ Hai đầu tuần, giá dầu tăng khá mạnh hơn 4%, quay trở lại mức đỉnh cũ. Như vậy, với áp lực tăng của giá dầu thì ít nhiều lạm phát sẽ khá lớn.

"Trong ngắn và trung hạn, giá dầu sẽ còn khuynh hướng đi lên. Với những căng thẳng tình hình địa chính trị gần đây, tôi cho rằng sẽ là một yếu tố tác động đến tình hình diễn biến giá dầu trong ngắn hạn. Do đó, lạm phát ít nhiều cũng sẽ là một gánh nặng của thị trường và kinh tế trong giai đoạn tới", ông Minh nói.

Áp lực lạm phát là có và năm 2024 sẽ rất khó khăn để đối mặt với yếu tố này. Lạm phát tại Mỹ cũng đang có xu hướng quay trở lại tiệm cận mức 4% và còn cách xa mức 2% mà Fed đặt mục tiêu. Dự báo đến năm 2024 lạm phát có thể khiến Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nếu lạm phát quay trở lại chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, ông Minh phân tích.

Hạ An