Châu Á

Ông Trump kiên quyết với thuế đối ứng: 'Tôi yêu nước Nhật, nhưng họ đã bóc lột chúng ta suốt 30-40 năm qua'

Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông không xem xét việc trì hoãn thời hạn ngày 9/7 để khôi phục mức thuế cao hơn, đồng thời một lần nữa đe dọa sẽ cắt đàm phán và áp thuế lên nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản.

“Tôi không nghĩ đến việc tạm dừng đâu!”, ông Trump phát biểu hôm thứ Ba khi được hỏi liệu ông có gia hạn thời gian đàm phán với các đối tác thương mại hay không. “Tôi sẽ gửi thư cho rất nhiều quốc gia”.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm ngay sau phát biểu của ông Trump với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One. Chỉ số S&P 500 nhanh chóng mất 14 điểm sau khi thị trường giao dịch khá ổn định trước đó. Chỉ số VIX đo lường mức độ biến động thị trường đã tăng vọt lên trên 16,8 trước khi thu hẹp đà tăng.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát cách Tổng thống xử lý lệnh tạm hoãn áp thuế từ tháng Tư, khi ông hoãn lại trong vòng 90 ngày để dành thời gian đàm phán.

Trong nhiều tuần qua, ông Trump liên tục gây sức ép lên các đối tác thương mại bằng những lời đe dọa áp thuế cao đối với các chính phủ bị ông cho là “khó nhằn”. Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông, ông Kevin Hassett, hôm trước đó đã ám chỉ rằng các thỏa thuận sẽ được công bố sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7 và sau khi dự luật thuế và chi tiêu được Thượng viện Mỹ thông qua.

Chỉ trích Nhật Bản, để ngỏ cơ hội với Ấn Độ

Kể từ khi ông Trump tạm dừng áp thuế theo từng quốc gia, ông và các cộng sự nhiều lần hứa hẹn sẽ đạt được hàng loạt thỏa thuận nhằm “tái cân bằng” cán cân thương mại vốn bị ông lâu nay chỉ trích là không công bằng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hai thỏa thuận được ký dưới dạng khung tổng thể với Vương quốc Anh và Trung Quốc, trong đó vẫn còn nhiều vấn đề then chốt chưa được giải quyết và các điều khoản cụ thể sẽ phải tiếp tục đàm phán.

Ông Trump quyết giữ nguyên thời hạn áp thuế ngày 9/7, Nhật Bản vào tầm ngắm - ảnh 1
(Ảnh minh họa)

Hôm thứ Ba, Tổng thống tiếp tục chỉ trích Tokyo vì không chấp nhận nhập khẩu gạo từ Mỹ. Ông cũng nói rằng thương mại ô tô giữa hai nước đang mất cân đối. “Nhật Bản nên bị buộc phải trả 30%, 35% hay bất kỳ mức nào mà chúng tôi quyết định, vì chúng tôi cũng đang có thâm hụt thương mại rất lớn với Nhật Bản”, ông Trump nói.

Trump từng đề xuất mức thuế 24% đối với hàng hóa Nhật Bản vào tháng Tư. Trong thời gian đàm phán, các mặt hàng này chỉ chịu mức thuế 10%.

“Tôi không chắc chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận. Tôi nghi ngờ về điều đó với Nhật Bản, họ rất cứng rắn. Bạn phải hiểu, họ đã quen được nuông chiều”, ông Trump phát biểu.

Ngược lại, Tổng thống tỏ ra lạc quan hơn về khả năng đạt thỏa thuận với Ấn Độ. Khi được hỏi về triển vọng trong tuần tới, ông nói: ”Có thể lắm. Đó sẽ là một kiểu thỏa thuận khác”.

“Đó sẽ là thỏa thuận mà chúng tôi có thể tham gia và cạnh tranh. Hiện tại, Ấn Độ không chấp nhận ai cả”, ông nói. “Tôi nghĩ Ấn Độ sẽ thay đổi điều đó, và nếu họ làm vậy, chúng tôi sẽ có một thỏa thuận với mức thuế thấp hơn nhiều”.

Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar, trong tuần này tuyên bố nước ông đang tiến gần tới việc hoàn tất một thỏa thuận với Mỹ, trong bối cảnh hai bên đang giải quyết các vấn đề gai góc như thuế nhập khẩu theo ngành và khả năng tiếp cận thị trường cho các giống cây trồng biến đổi gen từ Mỹ.

Các cuộc đàm phán đã trở nên căng thẳng hơn, với việc trưởng đoàn đàm phán của Ấn Độ, ông Rajesh Agarwal, kéo dài thời gian lưu lại Mỹ để xử lý bất đồng.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán với quốc gia khác thậm chí còn khó khăn hơn — và ông Trump trong tuần này tỏ ra quyết tâm sử dụng Nhật Bản như một ví dụ điển hình. Đây có thể được xem là lời cảnh báo gửi đến các nước khác: hoặc nhượng bộ, hoặc đối mặt với mức thuế cao. Tuy vậy, Tổng thống cũng từng thể hiện xu hướng đảo ngược quyết định một cách nhanh chóng, như trường hợp Canada tuần trước – ban đầu cắt đàm phán, nhưng sau đó nối lại chỉ vài ngày sau khi Ottawa hủy bỏ thuế dịch vụ số.

Nỗ lực của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shigeru Ishiba nhằm duy trì thái độ ôn hòa, thân thiện trong đàm phán đang bị thử thách bởi chiến thuật gia tăng sức ép của ông Trump. Tokyo đang tìm kiếm sự miễn trừ đối với ngành công nghiệp ô tô và các loại thuế khác, nhưng cách tiếp cận thận trọng này có nguy cơ phản tác dụng khi ông Trump muốn có những chiến thắng nhanh trong thương mại.

“Tôi yêu nước Nhật. Tôi thực sự thích Thủ tướng mới”, Trump nói với các phóng viên. “Nhưng họ và nhiều nước khác đã quen được hưởng lợi từ việc bóc lột chúng ta suốt 30, 40 năm qua, nên giờ rất khó để họ chịu ký thỏa thuận”.

Nhật Hạ - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính