Sản phẩm này từng rất phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Một vụ bê bối mỹ phẩm đang gây chấn động thị trường làm đẹp: Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam – ông Đường Văn Thiết – vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Sản phẩm bị điều tra là kem chống nắng mang thương hiệu Athena, vốn từng rất phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), chỉ số SPF thật của sản phẩm chỉ đạt 4,2–26,6% so với mức công bố SPF 50+ trên bao bì, nghĩa là chỉ số chống nắng bị “thổi phồng” lên đến hơn 70%. Căn cứ theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đây là hành vi bị xếp vào diện hàng giả.

Điều đáng nói là cảnh báo về chất lượng sản phẩm Athena đã từng được đưa ra từ giữa năm 2024. Một video review của Beauty blogger Vũ Thái Bình đăng từ tháng 7/2024 đã xếp sản phẩm này vào danh sách “Những sản phẩm tệ nên tránh xa”. Trong video, Thái Bình chỉ rõ: bao bì in thiếu chỉ số PA (bắt buộc đi kèm với SPF theo luật), thành phần sơ sài, không rõ ràng, và không hiển thị tác dụng chống tia UV khi soi dưới camera cực tím.
Dù vậy, sản phẩm vẫn tiếp tục được bày bán rộng rãi từ năm 2019 đến nay. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, gần 5.000 sản phẩm kem chống nắng Athena mới bị thu giữ, cùng với hơn 8.600 sản phẩm mỹ phẩm khác như kem dưỡng, nước hoa, sữa rửa mặt...
Hiện tại, website và kênh mạng xã hội của công ty Athena đã “biến mất”, tuy nhiên nhiều kênh bán hàng trên TikTok vẫn đang gắn link giỏ hàng bán sản phẩm này với giá dao động 190.000–200.000 đồng/sp. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang khi sản phẩm chưa bị gỡ khỏi hệ thống bán hàng online dù bị xác định là hàng giả.
Vụ việc không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng sản phẩm mỹ phẩm bán trực tuyến mà còn cho thấy vai trò của các reviewer độc lập. Beauty blogger Thái Bình – người từng “phơi nắng 3 tiếng” để kiểm tra kem chống nắng – hiện sở hữu hơn 1,1 triệu người theo dõi, gần 32 triệu lượt thích trên TikTok. Series "K mua lại" của anh đang được đông đảo người dùng tham khảo, như một kênh cảnh báo sản phẩm “trá hình” trên thị trường.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm và không nên chỉ tin vào quảng cáo trên mạng. Những vụ việc như Athena cho thấy chỉ một dòng chữ trên bao bì cũng có thể là cái bẫy lừa hàng chục nghìn khách hàng.
Ngọc Lam - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận