Toàn cầu

Phát hiện hành tinh mới mang sự sống, con người sẽ không đơn độc

Các nhà khoa học đã tìm thấy trên hành tinh K2-18b có dấu hiệu tồn tại dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS), hứa hẹn tiềm năng về một thế giới tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.

Hành tinh K2-18b có kích thước to gấp 2,5 lần Trái Đất, cách xa chúng ta 700 nghìn tỷ dặm, hay 124 năm ánh sáng. Theo nghiên cứu, hành tinh này được phân vào nhóm hành tinh “Hycean” - tức hành tinh được bao bọc bởi nước, giàu khí hydro và có thể chứa đựng sự sống.

Những giáo sư thuộc nhóm nghiên cứu Cambridge đã rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng lượng khí DMS và DMDS ước tính trên K2-18b thậm chí còn cao hơn hàng nghìn lần so với lượng khí trên Trái Đất. Đây có thể coi là bằng chứng mạnh mẽ nhất về tín hiệu của việc tồn tại sự sống ngoài vũ trụ.

Phát hiện hành tinh mới to gấp 2,5 lần Trái đất mang sự sống, con người sẽ không đơn độc - ảnh 1

Hình minh họa hành tinh K2-18b đang xoay quanh sao lùn đỏ. Ảnh: Cambridge.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã từng tìm thấy trên K2-18b khí carbon dioxide (CO2) và methane (CH4), vốn là hai phân tử hữu cơ phổ biến trên Trái Đất. Họ cũng phát hiện ra một vài dấu hiệu của DMS, tuy nhiên, chúng chưa đủ rõ ràng để đưa ra một công bố chính thức.

Mãi tới khi MIRI - Thiết bị hồng ngoại tầm trung trên JWST được sử dụng, nhóm mới có thêm dữ liệu để khẳng định sự hiện diện của DMS và DMDS trên hành tinh. Được biết, ở thời điểm hiện tại, JWST là thiết bị tân tiến nhất được sử dụng để quan sát vũ trụ, nó hiện đại đến mức có thể phân tích ngay những hợp chất hóa học có trong bầu khí quyển của một hành tinh bất kỳ mà nó xoay quanh, chỉ dựa vào hiện tượng dịch chuyển đỏ.

Phát hiện hành tinh mới to gấp 2,5 lần Trái đất mang sự sống, con người sẽ không đơn độc - ảnh 2

MIRI - Thiết bị hồng ngoại tầm trung cung cấp khả năng chụp ảnh và quang phổ. Ảnh: NASA.

Phát hiện mới này của nhóm nghiên cứu Cambridge đã được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, trở thành tâm điểm của giới thiên văn học khi đưa ra những giả thuyết hấp dẫn về một miền đất hứa của sự sống. Giáo sư Madhusudhan, làm việc tại Viện Thiên văn học, chia sẻ rằng: “Nếu sự sống thật sự có trên K2-18b, thì có thể trên thiên hà này, vẫn còn tồn tại sự sống ở nhiều hành tinh khác nữa”.

Ngoài ra, tiến sĩ Subir Sarkar, giảng viên vật lý thiên văn tại đại học Cardiff cũng công nhận tính khả thi của nghiên cứu, đồng thời ông khuyến nghị nhóm nghiên cứu cần theo dõi thêm hành tinh này để đưa ra kết quả chắc chắn nhất.

Phát hiện hành tinh mới to gấp 2,5 lần Trái đất mang sự sống, con người sẽ không đơn độc - ảnh 3

Nikku Madhusudhan - giáo sư vật lý thiên văn và khoa học ngoại hành tinh. Ảnh: India TV News.

Vẫn còn nhiều nhà khoa học hoài nghi với giả thuyết này, vì nó chưa đạt tiêu chuẩn cần thiết để được coi là một bằng chứng thuyết phục. Để được cả giới khoa học công nhận, kết quả của các nghiên cứu cần đạt mức “5 sigma” - tức là chắc chắn rằng 99,99999% kết quả của họ là chính xác.

Tuy nhiên, kết quả tìm được của nhóm nghiên cứu Cambridge mới chỉ ở mức “3 sigma”, hay 99,7%. Nghe có vẻ là một con số lớn, nhưng nó vẫn chưa đủ để thuyết phục được cộng đồng khoa học.

Giáo sư Catherine Heymans của Đại học Edinburgh cho rằng: “Ngay cả khi tìm thấy DMS và DMDS trên K2-18b, ta vẫn cần tìm hiểu thêm về nguồn gốc sinh học của hai loại khí này. Ở Trái Đất, chúng được tạo ra từ những vi sinh vật trong đại dương, nhưng biết đâu lại có những hoạt động địa chất nào khác đang diễn ra để tạo nên những phân tử này. Vũ trụ này đầy rẫy những điều kỳ lạ và điều này cũng không ngoại lệ”.

Phát hiện hành tinh mới to gấp 2,5 lần Trái đất mang sự sống, con người sẽ không đơn độc - ảnh 4

Dữ liệu về hành tinh K2-18b thu được từ JWST. Ảnh: NASA.

Nhóm nghiên cứu Cambridge cũng ghi nhận những quan điểm này, nhóm cho biết đang tiến hành hợp tác với những nhóm nghiên cứu khác để tìm hiểu về nguồn gốc sinh học của DMS và DMDS, cũng như tiếp tục theo dõi K2-18b và những hành tinh khác.

Đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, nhưng chưa một kết luận thuyết phục nào được ghi nhận. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những nhà khoa học, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ hiện đại, thì viễn cảnh rộng mở về một ngày khai phá hoàn toàn vũ trụ sẽ không còn xa nữa.

(Theo BBC, Cambridge, NASA, Space)

 

 

Loan Loan - nguoiquansat.vn

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn