Bất động sản

Sau sáp nhập, điểm cực Bắc của Tổ quốc có sự thay đổi

Tuyên Quang chính thức trở thành địa phương sở hữu điểm cực Bắc của Tổ quốc sau đợt sáp nhập hành chính vừa qua. Tuy thay đổi về địa giới hành chính nhưng sự thay đổi này không làm lu mờ giá trị lịch sử của điểm cực Bắc Tổ quốc.

Sáng 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, bản đồ hành chính Việt Nam sẽ được điều chỉnh từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Việc sắp xếp lại hệ thống hành chính kéo theo sự thay đổi về ranh giới, diện tích tự nhiên và quy mô của từng tỉnh, thành phố, đặc biệt là 4 điểm cực địa lý của Tổ quốc, trong đó có điểm cực Bắc của Việt Nam.

Điểm cực Bắc của Việt Nam trước đây vốn nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, sau nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới tên Tuyên Quang, xã Lũng Cú nay đã chính thức thuộc địa giới hành chính của tỉnh Tuyên Quang với tọa độ 23°22'59'' vĩ độ Bắc, 105°19'21'' kinh độ Đông. Điều này đồng nghĩa với việc Tuyên Quang chính thức trở thành địa phương sở hữu điểm cực Bắc của Tổ quốc, đây là nơi con sông Nho Quế đổ vào đất Việt, còn được gọi là “mỏm Séo Lủng” hay “mỏm tột Bắc”.

Sau sáp nhập, điểm cực Bắc của Tổ quốc có sự thay đổi- Ảnh 1.
Cột mốc Lũng Cú nơi địa đầu của đất nước. Ảnh: _annie.ma_

Nơi điểm cực Bắc của Tổ quốc còn có một địa danh nổi tiếng là cột cờ Lũng Cú. Mặc dù xã Lũng Cú đã sáp nhập vào Tuyên Quang, nhưng cột cờ Lũng Cú – nơi đánh dấu địa danh địa đầu Tổ quốc vẫn sẽ giữ nguyên giá trị biểu tượng và điểm đến hấp dẫn du khách. Để đến được cột cờ Lũng Cú, du khách vẫn sẽ đi qua Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ. Thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục cột cờ Lũng Cú là cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi mùa lúa chín vàng óng và trời quang mây tạnh.

> > Tỉnh sở hữu cao nguyên đá hùng vĩ bậc nhất Việt Nam có khách sạn 5 sao đầu tiên

Sau sáp nhập, điểm cực Bắc của Tổ quốc có sự thay đổi- Ảnh 2.
Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Internet

Cột cờ Lũng Cú là một trong những biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, nằm trên đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nay là xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời cao, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người Việt nơi cực Bắc Tổ quốc. Với độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, từ đỉnh cột cờ, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát khung cảnh hùng vĩ của núi non nơi biên cương địa đầu Tổ quốc.

Bên cạnh cột cờ Lũng Cú, một địa điểm mà du khách cũng hay đến khám phá khi đến với cực Bắc của Tổ quốc là cột mốc 428. Cột mốc 428 nằm ở độ cao 1.433m so mới mực nước biển, cách sông Nho Quế chỉ 2km. Cột mốc 428 thuộc bản Xéo Lủng (hay còn gọi là Séo Lủng) thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũ, nay là xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong những mốc giới trên đất liền quan trọng nhất của Việt Nam. Sau khi tham quan cột cờ Lũng Cú, du khách cũng thường sẽ đến với cột mốc 428 để chụp ảnh check-in. Nơi đây, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng bao quát khung cảnh núi rừng tuyệt đẹp nơi cực Bắc của Tổ quốc.

Sau sáp nhập, điểm cực Bắc của Tổ quốc có sự thay đổi- Ảnh 3.
Cột mốc 428. Ảnh: Internet

Việc Tuyên Quang trở thành địa phương sở hữu điểm cực Bắc của Tổ quốc không chỉ mang ý nghĩa địa lý, mà còn mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch, hạ tầng và bất động sản khu vực. Với lợi thế về cảnh quan hùng vĩ, các địa danh mang tính biểu tượng và sức hút văn hóa, lịch sử mạnh mẽ, vùng đất địa đầu mới này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, đồng thời là “mỏ vàng” tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản trong hành trình đánh thức giá trị vùng biên.

> > Tỉnh sở hữu sân bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam sẽ có khu đô thị mới gần 3.300 tỷ

Nguyễn Thảo - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn