Vĩ mô

Sau sáp nhập, tỉnh nào sẽ thay thế Bắc Ninh trở thành tỉnh nhỏ nhất nước?

Hiện nay, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam với 822,7km2. Dân số tỉnh này đạt gần 1,5 triệu người, xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng dân số ở nước ta.

Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập có hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉnh Hưng Yên hiện có diện tích 930,2km2 và tỉnh Thái Bình có diện tích 1.584,6km2. Như vậy, tỉnh mới sau khi sáp nhập sẽ có diện tích 2.514,8km2.

Như vậy, theo số liệu thống kê hiện nay, tỉnh mới sau khi sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước.

Sau sáp nhập, tỉnh nào sẽ thay thế Bắc Ninh trở thành tỉnh nhỏ nhất nước?
Tỉnh mới sau khi sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước

Trong năm 2024, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước (đạt kế hoạch đề ra tăng từ 7,5-8%). Tăng trưởng kinh tế của tỉnh có sự phục hồi nhanh ở quý II và quý III (quý I tăng 6,07%; quý II tăng 8,74%; quý III tăng 8,70%). Tuy nhiên, bước sang quý IV, do chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản nên tăng trưởng kinh tế quý IV của tỉnh chỉ đạt 7,24% so với cùng kỳ năm trước. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thì Hưng Yên xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Quy mô nền kinh tế năm 2024 của tỉnh đạt 159.844 tỷ đồng, là một trong những tỉnh có mật độ kinh tế cao của vùng và của cả nước, đạt 172 tỷ đồng/km2; GRDP bình quân đầu người đạt 121,27 triệu đồng, tăng 8,81 triệu đồng so với năm 2023.

Tại Thái Bình, GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt trên 132.700 tỷ đồng, xếp thứ 23 địa phương trong cả nước, thứ 8/11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ chiếm 30,41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; tính đến ngày 20/12/2024, toàn tỉnh có 1.172 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đầu tư 12.604 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt trên 26.700 tỷ đồng, đạt 137,1% so với dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt gần 11.070 tỷ đồng, tăng 12,8%.

 

 

Phúc Lam - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư