Với vai trò là nhà đầu tư cũng như chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Nhật Bản đang tận dụng lợi thế tài chính và hợp tác quốc phòng để làm đòn bẩy trong cuộc thương lượng về thuế quan.
Nhật Bản có “nhiều quân bài” để sử dụng trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, theo ông Takeshi Niinami – cố vấn kinh tế cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản.
Bình luận của ông được đưa ra ngay trước chuyến công du kéo dài 3 ngày của trưởng đoàn đàm phán Ryosei Akazawa tới Washington, nơi ông dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Ông Niinami, đồng thời là Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn đồ uống Suntory Holdings, chia sẻ rằng ông “lạc quan một cách thận trọng” về triển vọng đàm phán. Ông chỉ ra Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ và cũng là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ nhất.
“Nhật Bản nên tập trung thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào Mỹ, đồng thời tiếp tục nắm giữ lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ. Chúng tôi hiểu Tổng thống Donald Trump rất quan tâm đến thị trường trái phiếu”, ông nói.

Được biết Nhật Bản hiện nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuần trước, ông Trump cho biết đợt bán tháo trái phiếu là một trong những lý do khiến ông phải đảo ngược quyết định áp thuế "có đi có lại".
Ông cho hay: “Tôi nghĩ mọi người đã phản ứng hơi thái quá. Họ tỏ ra lo lắng và có phần hốt hoảng”.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Kevin Hassett, cũng xác nhận trên CNBC ngày 10/4 rằng sự sụt giảm của thị trường trái phiếu là yếu tố thúc đẩy quyết định của ông Trump.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên hơn 4,5% vào ngày 8/4, do lo ngại rằng các chủ nợ lớn như Nhật Bản hoặc Trung Quốc đang bán tháo. Lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm, điều này có thể kéo theo lãi suất vay mua nhà tại Mỹ tăng.
Một “quân bài” khác mà Tokyo có thể đưa ra là vấn đề mua sắm quốc phòng từ Mỹ – theo ông Niinami – trong bối cảnh Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Hai nước có mối quan hệ quốc phòng sâu sắc, với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang sử dụng nhiều loại thiết bị của Mỹ như chiến đấu cơ, trực thăng và cả vũ khí bộ binh.
“Hãy bình thường hóa mối quan hệ, vì chúng tôi là đồng minh lớn nhất của Mỹ. Nhật Bản muốn nâng cấp quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực”, ông Niinami nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông thừa nhận rằng dù tình hình hiện tại không lý tưởng để đầu tư vào Mỹ, song năng suất lao động cao là lý do khiến thị trường này vẫn hấp dẫn.
“Chúng tôi không hài lòng với kế hoạch hiện tại của Mỹ, nhưng vẫn muốn tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế này”, ông kết luận.
Theo CNBC
Thiên Kim - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận