Doanh nghiệp niêm yết

LPB: Nợ xấu cao gấp 2,1 lần sau 9 tháng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm.

https://cdn.stockproxx.com/2023/11/27/LPBank.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Viettimes)

Thống kê lợi nhuận của các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn trong quý 3/2023 đạt 59.310 tỷ đồng, giảm 1,9% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với chất lượng nợ chuyển xấu tăng cao.

Kết thúc quý 3/2023 ghi nhận mức sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ, trong khi tổng nợ xấu của các ngân hàng đạt 196.755 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu quý.

Có thể kể đến như: TP Bank (TPB), Sacombank (STB), LP Bank, MSB… là những cái tên đang được niêm yết có lượng nợ xấu tăng cao.

Mới hoàn thành 61% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng

Về trường hợp của LPBank, trong quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do chi phí và các chi phí tương tự tăng hơn 2.000 tỷ đồng đã khiến cho thu nhập lãi thuần nhà băng này chỉ còn 2.632 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ thu nhập lãi thuần giảm, các nguồn thu khác của ngân hàng LPBank cũng đi xuống trong quý 3 năm nay.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 36,5%, xuống còn 164 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của LPBank cũng ghi nhận khoản lỗ 33 triệu đồng.

Điểm sáng trong kỳ đó là, lãi thuần từ hoạt động ngoại kinh doanh ngoại hối đã đảo chiều từ lỗ 12,5 tỷ đồng lên lãi 205 tỷ đồng trong quý 3/2023. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng lên hơn gần 112 tỷ đồng.

Nhờ vào việc trong quý 3/2023, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm đã giúp cho LPBank có được khoản lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 1.241 tỷ đồng và 993 tỷ đồng (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước).

Dù vậy, lũy kế 9 tháng của năm 2023, các chỉ tiêu kinh doanh như thu nhập lãi thuần, lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đều đi xuống.

Cụ thể: Thu nhập lãi thuần giảm 13,9%, xuống còn 7.857 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 23,5%, xuống còn 3.686 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 23,4%, xuống còn 2.994 tỷ đồng sau 9 tháng của năm 2023.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 được tổ chức vào tháng 5, LPBank đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho kế hoạch kinh doanh năm 2023: Lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 6.000 tỷ đồng và 4.800 tỷ đồng so với năm 2022.

Như vậy có thể thấy, sau 9 tháng của năm 2023, LPBank mới chỉ đạt 61% cho cả 2 mục tiêu này.

Ngoài những số liệu đã được báo cáo ở trên, LPBank cũng cho biết, việc lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng 2023 bị giảm đến 23% so với cùng kỳ đến chủ yếu từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.

Thứ hai, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, LPBank đã triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay và giảm phí, lệ phí cho khách hàng, cũng làm suy giảm lợi nhuận của ngân hàng.

Nợ xấu tăng hơn 110% sau 9 tháng

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của LPBank, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của nhà băng này đạt mức 365.450 tỷ đồng, tăng gần 12% so với kết thúc 2022.

Trong đó, việc tăng này nằm chủ yếu do tăng cho vay khách hàng, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng và tăng các khoản phải thu…

Sau 9 tháng của năm 2023, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã tăng từ 12,6 lần lên 12,8 lần và lượng nợ này đang ở mức 338.961 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu LPBank tiếp tục tăng cao so với thời điểm kết thúc năm 2022, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua của nhà băng này.

Theo đó, tại thời điểm 30/9/2023, nợ xấu của LPBank đã tăng từ 3.462 tỷ đồng (ngày 31/12/2022) lên 7.367 tỷ đồng (kết thúc quý 3/2023), tương đương cao gấp 2,1 lần.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của LPBank cũng tăng vọt từ 1,46% hồi đầu năm 2023 lên hơn 2,79% vào thời điểm kết thúc quý 3/2023.

Trong đó, phải kể đến yếu to nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ và nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn đều tăng rất mạnh.

Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cụ thể, nếu quá thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN. Nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 lần lượt là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Cụ thể, nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 1.069 tỷ đồng lên 1.584 tỷ đồng, tương đương mức tăng 48%.

Nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng từ 1.004 tỷ đồng lên 2.850 tỷ đồng, tương đương mức tăng 184%.

Trong khi đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.352 tỷ đồng lên trên 2.932 tỷ đồng, tương đương mức tăng 116%. Như vậy, nợ nhóm 5 của LPBank đang chiếm gần 40% số nợ xấu của nhà băng này.

Cũng trong năm 2023, Công ty CP chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã công bố kết quả đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp quyền mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu.

Theo đó, VNPost chào bán hơn 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPBank (mã LPB) với giá khởi điểm 1.764 đồng/quyền mua nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp.

Theo quy định tại Quy chế chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của VNPost tại LPBank theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, buổi xác định kết quả thỏa thuận trực tiếp quyền mua cổ phiếu không đủ điều kiện để tổ chức.

Vì vậy, SHS đã thông báo không tổ chức buổi xác định kết quả thỏa thuận trực tiếp quyền mua cổ phiếu của LPBank do VNPost sở hữu vào ngày 20/9/2023.

Lê Hải

Theo Báo Pháp Luật