Việc buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện cho 43 căn nhà xây trái phép tại TP. HCM tồn tại từ năm 2017 đến nay, hiện đang đứng trước nguy cơ bị dỡ bỏ.
Sau khi nhận được thông báo tổ chức cưỡng chế từ UBND phường Thạnh Xuân (TP. HCM), trong vài ngày vừa qua, hàng chục hộ dân tại dãy nhà xây trái phép tại địa chỉ số 161/152 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 (TP. HCM) đã có đơn cầu cứu gửi đến báo Tuổi Trẻ, bày tỏ nỗi lo về việc sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ nhà.
Theo như thông báo của UBND phường Thạnh Xuân, đến cuối tháng 5/2025, phường sẽ tổ chức các đơn vị tiến hành cưỡng chế tháo dỡ đối với 26 căn nhà và khu nhà kho.
Đối với những căn nhà vi phạm còn lại, phường sẽ có kế hoạch cưỡng chế sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan.

Thông tin trước đó được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ cho biết, dãy nhà này được xây dựng trên khu đất gần 2.900m2, được UBND quận 12 cấp phép xây dựng có thời hạn (giấy phép tạm, vào tháng 1/2016) và Giấy phép xây dựng tạm điều chỉnh (tháng 1/2017) cho ông Lý Chí Minh và bà Phan Thị Hướng làm chủ đầu tư.
Khu đất này được ông Hồ Tú (đại diện Công ty TNHH XNK - nông hải sản Yến Nhi) ký hợp đồng mua của ông Lý Chí Minh.
Thông qua Công ty Yến Nhi, ông Tú đã tự lập dự án, tự lên thiết kế bản vẽ xây dựng trên thửa đất. Với giấy phép xây dựng tạm, ông Tú đã xây dựng hoàn chỉnh dãy nhà và bán cho nhiều hộ dân qua vi bằng.
Ngày 11/3/2022, Đội thanh tra địa bàn quận 12 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng trái phép.
Đến ngày 13/4/2022, UBND quận 12 đã ra quyết định buộc tháo dỡ dãy nhà xây trái phép.

Sau khi phát hiệu dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc bán nhà của ông Hồ Tú, các hộ dân tại đây đã làm đơn tố cao ông Tú về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên công an TP. HCM.
Cùng với đó, cho rằng lực lượng thanh tra địa bàn quận 12 đã tắc trách trong vấn đề quản lý xây dựng, gián tiếp gây thiệt hại quyền lợi của người mua nhà, các hộ dân này đã làm đơn tố cáo lên Sở Xây dựng TP. HCM.
Theo báo Dân trí, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết xác nhận nội dung mà người dân tố cáo là đúng; đồng thời chỉ rõ các vi phạm của đội thanh tra địa bàn quận 12, trong đó có việc không thực hiện đúng quy trình kiểm tra, buông lỏng quản lý để công trình tồn tại, đi vào sử dụng.
Sở này cũng đã tiến hành tổ chức kiểm điểm cũng như xử lý các Bộ liên quan.
Liên quan đến kế hoạch cưỡng chế, UBND phường Thạnh Xuân cũng đã tạm hoãn việc cưỡng chế do nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT về việc chưa tiến hành cưỡng chế cho đến khi vụ án hình sự liên quan được xử lý xong.
Trước thông tin dãy nhà đứng trước nguy cơ bị phá dỡ, chia sẻ với Dân trí, ông Lê Thành Sơn (66 tuổi) cho biết vợ mình mất vì Covid-19 năm 2022, đây là khoảnh khắc tồi tệ với ông và việc phá vỡ căn nhà gắn với nhiều kỷ niệm khiến ông không khỏi xót xa.

"Suốt 5 năm sinh sống bình thường, đột nhiên chính quyền thông báo thu hồi đất vào năm 2022. Thật tình bây giờ, trong nhà còn mỗi con Gấu (chú chó) làm bạn, nếu phải ra đường thì khác nào triệt đường sống của tôi", ông Sơn ngậm ngùi.
Trong khi đó, chia sẻ với VnExpress, chị Minh Phương - người đầu tiên mua nhà trong dãy liền kề từ khi công trình vừa hoàn thiện phần thô năm 2016, cũng không khỏi lo lắng trước nỗi lo mất nhà.
Theo chị Phương, trước khi đặt cọc và thanh toán toàn bộ số tiền, chị đã đến UBND phường Thạnh Xuân để gặp cán bộ địa chính nhằm xác minh nguồn gốc đất cũng như tính pháp lý và các vấn đề tranh chấp có liên quan. Tại đây, chị được cán bộ địa chính thông báo nguồn gốc đất không bị tranh chấp, không vướng quy hoạch.
Việc mua bán sau đó được tiến hành bằng vi bằng với cam kết của chủ đầu tư rằng sau khi hoàn công, 5 căn nhà liền kề này sẽ được cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Dẫu vậy, đã 10 năm trôi qua, chị Phương vẫn chưa nhận được giấy tờ pháp lý hợp lệ cho căn nhà.
An Nhiên - nguoiquansat.vn
Theo reatimes.vn
Bình luận
0 Bình luận