Vĩ mô

Đơn hàng xuất khẩu kín tới tháng 9, vì sao doanh nghiệp dệt may vẫn thấp thỏm?

Ngành dệt may nước ta được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt đến hết quý III, tuy nhiên, giá điện tăng hay áp lực thuế quan vẫn là những thách thức mà ngành phải đối diện trong giai đoạn tới.

Dệt may bứt tốc trong những tháng đầu năm

Trong những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã chứng kiến những bước khởi đầu đầy lạc quan. Hoạt động xuất khẩu bứt phá tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,9 tỷ USD, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ.

Về khía cạnh thị phần, tính đến cuối tháng 4, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại các thị trường chính tiếp tục duy trì ổn định: Mỹ (18,8%; năm 2024: 18,9%), Nhật Bản (18,7%; năm 2024: 17,9%), Hàn Quốc (30,4%; năm 2024: 29,2%).

Đơn hàng xuất khẩu kín tới tháng 9, vì sao doanh nghiệp dệt may vẫn thấp thỏm?
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam

Lý giải cho điều này, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, sản phẩm dệt may của Trung Quốc đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ và tạo ra làn sóng dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều này đã giúp ngành may mặc nước ta được hưởng lợi đáng kể. Đáng chú ý, theo tính toán của Công ty Cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM), nếu Việt Nam có thể thay thế khoảng 20-30% thị phần hàng dệt may mà Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ, ngành dệt may trong nước sẽ có cơ hội bứt phá mạnh.

Hơn nữa, việc giảm thị phần của các sản phẩm Trung Quốc tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể là kết quả của việc tăng cường kiểm soát đối với các hoạt động lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Một yếu tố tích cực khác đối với ngành dệt may nước ta là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ, hiện tồn kho tại đây đang ở mức thấp. Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh VP HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT), tồn kho thực tế tại Mỹ đang ở mức rất thấp, nhiều nhãn hàng chỉ đủ dùng cho 6-8 tuần tới, khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm, thiếu hụt mạnh ở dòng hàng sweaters (áo ấm) từ Trung Quốc. Chính vì vậy, các đơn hàng trong quý III/2025 dự kiến vẫn được duy trì ổn định.

Thực tế, một số doanh nghiệp nước ta chia sẻ họ đã nhận kín đơn hàng, bao gồm Đức Giang đang duy trì ổn định đến hết tháng 7 và hiện đang tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9; Dệt May Miền Nam nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết tháng 8; Dệt May Huế lấp đầy các đơn hàng tháng 7; May Hưng Yên đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8; Dệt May Hà Nội (Hanoisimex) đã chốt xong đơn hàng tháng 7, tháng 8; May 10 đã kín đơn hàng đến hết tháng 7.

Các yếu tố khác có lợi cho Việt Nam có liên quan đến các nước cạnh tranh. Pakistan xảy ra bất ổn chính trị với Ấn Độ, trong khi đó Bangladesh gặp tình trạng về khủng hoảng năng lượng, nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa do thiếu điện, đồng thời chính quyền của nước này cũng chưa có dấu hiệu xúc tiến đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng.

Nhờ sự cộng hưởng của các yếu tố này, ngành dệt may nước ta nhìn chung duy trì ổn định trong những tháng đầu năm và vẫn còn dư địa tiếp tục tăng trưởng tới hết quý III. Tuy vậy, những tín hiệu tích cực này khó có thể duy trì trong dài hạn và nhiều áp lực vẫn đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của ngành.

Chủ động ứng phó với thách thức

Hiện tại, các chính sách về thuế quan của Mỹ, với tâm điểm là thương chiến Mỹ-Trung, vẫn còn nhiều bất định và đây đang là rủi ro lớn nhất mà ngành dệt may nước ta phải đối mặt. Nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng và không tuân thủ đầy đủ quy tắc xuất xứ, rất dễ bị áp thuế bổ sung hoặc rơi vào diện điều tra phòng vệ thương mại.

Chính vì thế, việc Chính phủ Mỹ quyết định tạm hoãn triển khai gói thuế bổ sung thêm 90 ngày là “khoảng thời gian vàng” để doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp nội địa cần phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng và củng cố tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng, trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi “lẩn tránh thuế” qua hình thức gia công trung chuyển, cũng là bài toán cần tìm gấp lời giải.

Ngoài rủi ro về thuế quan, sản lượng xuất khẩu có nguy cơ sụt giảm trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu giảm từ các đối tác nước ngoài. Tại thị trường Mỹ, quý IV thường là giai đoạn tiêu thụ giảm theo yếu tố mùa vụ, do vậy, đơn hàng xuất khẩu quý IV sang Mỹ có thể bị giảm khoảng 10%. Trong khi đó, sức tiêu thụ tại Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn yếu, nhu cầu giảm chưa thể phục hồi ngay. Cụ thể, xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do thị trường này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải. Việc căng thẳng giữa Mỹ–Trung ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt vải của quốc gia này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sợi bị giảm.

Đứng trước lo ngại này, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường trong nửa đầu năm 2025 để tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt khi các chính sách bất ngờ của Mỹ chưa xảy ra và nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác vẫn duy trì ổn định. Từ đó, chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng, tập trung vào việc đàm phán các đơn hàng có thời gian giao hàng nhanh, nhằm tối ưu hóa doanh thu ngay trong những tháng đầu năm khi thị trường còn dồi dào đơn hàng.

Đơn hàng xuất khẩu kín tới tháng 9, vì sao doanh nghiệp dệt may vẫn thấp thỏm?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Về phía yếu tố trong nước, việc điều chỉnh tăng giá điện có thể tạo ra những tác động không nhỏ đến ngành có đặc thù tiêu thụ nhiều năng lượng như dệt may.

Mới đây, ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8%, lên mức 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Việc tăng giá điện sẽ gây áp lực trực tiếp lên các doanh nghiệp dệt may, bởi giá điện tăng sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình thương mại thế giới còn nhiều bất định như hiện tại.

Theo thống kê, ở nhóm dệt may, với ngành dệt, nhuộm, chi phí đầu vào của điện chiếm 9-12% giá thành sản phẩm. Còn với ngành may, điện chiếm hơn 1,8%. Theo đó, giá điện tăng sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tính toán lại phương án sản xuất, đẩy mạnh tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn để có thể cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực

Vì vậy, để ứng phó với bài toán chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động triển khai các biện pháp nhằm tiết kiệm điện, giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng cũng được xem xét như một giải pháp dài hạn.

An Chi - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư