Chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2 - số 37 đã đưa khán giả nhận dạng những vấn đề đáng quan ngại trong chính tâm lý mỗi nhà đầu tư.
Xuất phát từ “Tê giác xám” - một thuật ngữ kinh tế để miêu tả những rủi ro thường bị lơ là, Bí mật đồng tiền mùa 2 - số 37 đã đưa khán giả nhận dạng những vấn đề đáng quan ngại trong chính tâm lý mỗi nhà đầu tư. Một cuộc khảo sát về những vấn đề tâm lý thường gây ảnh hưởng nhất tới quá trình đầu tư đã được thực hiện ngay từ những phút đầu, hâm nóng bầu không khí chương trình. Ba “chú tê giác” đã lần lượt được gọi tên.
Thiếu kiến thức
Sự trỗi dậy của AI vẫn luôn là một chủ đề nóng trên toàn cầu. Đặc biệt vào đầu tuần, khi Sam Altman quay trở lại vị trí CEO tại Open AI sau 5 ngày bị sa thải và dự định tiến tới những hợp tác với Microsoft ngay sau đó. Microsoft cũng là nơi “ viên ngọc quý” Altman dự định đầu quân sau khi rời OpenAI. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, giá cổ phiếu Microsoft đã tăng gần 2%.
Một cuộc "tranh luận" đã diễn ra trong chương trình giữa Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) và BTV Hoàng Nam - chuyên trách chứng khoán, bản tin Tài chính kinh doanh VTV1. Rất nhiều “cú nổ” về công nghệ đã diễn ra trong thời điểm gần đây như tiền kỹ thuật số hay AI, đi kèm với đó là nguồn lực đầu tư và kỳ vọng vô cùng lớn. Tuy nhiên, BTV Hoàng Nam cho rằng hiệu quả đi kèm lại chưa tương xứng, như việc CEO Binance mới đây đã phải từ chức vì liên quan tới những cáo buộc về rửa tiền, hay Meta - công ty chủ quản của Facebook đầu tư rất nhiều vào Metaverse nhưng thua lỗ nặng nề. Anh Nam đặt ra quan ngại: “Liệu công nghệ có trở thành một dạng bong bóng mới, một con “tê giác xám” của thị trường kinh tế - tài chính?”
Mr. X30 nhận định, công nghệ giờ đang là mảnh đất của những tay chơi lớn, có tiềm lực trên thị trường thay vì những mô hình tự phát, manh mún. Chính vì vậy, khả năng thành công của những doanh nghiệp này là cao hơn rất nhiều.
Mr. X30 cũng gọi AI là “người bạn thân” và cho biết, với ông, đây là một “chú tê giác” hữu dụng, một người trợ lý đắc lực. Ông cho rằng, AI xuất hiện đã làm lộ diện một vài “tê giác” đáng quan ngại trong chính tâm lý mỗi người. Suy nghĩ bi quan, cho rằng AI sẽ cướp mất công việc của mình sẽ thành sự thật nếu chúng ta thiếu đi sự tìm tòi, học hỏi, tự “thăng hạng”, “uptrend” bản thân mỗi ngày.
Cách đây vài tháng, tại SSI Gala - sự kiện nội bộ lớn nhất hằng năm của Công ty CP Chứng khoán SSI, màn đối thoại giữa ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT SSI với phiên bản AI của mình cũng đã “gây bão” bởi những thông điệp “thẳng - thật - trúng”. Khi được hỏi liệu có sợ một ngày sẽ bị thay thế bởi vị chủ tịch AI, ông Nguyễn Duy Hưng đã khẳng định rằng mình không sợ. Bởi các cỗ máy không có cảm xúc của trái tim - tình yêu, cảm hứng, nhiệt huyết; những yếu tố cao đẹp tác động tới con người theo cách không cỗ máy nào có thể thay thế. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận không thể ỷ lại thực tế ấy; trước tình hình cả thế giới đang thay đổi từng ngày.
FOMO
Câu chuyện khối ngoại mạnh mẽ, miệt mài “xả hàng” hai tháng qua cũng là một “drama” được quan tâm. Có khán giả đặt câu hỏi: “ Có nên đầu tư theo khối ngoại?”. Khách mời của chương trình - anh Nguyễn Trần Hải , một nhà đầu tư cá nhân với nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, đây là một yếu tố đáng quan tâm nhưng không mang tính quyết định. “Rót vốn vào rồi rút vốn ra là một động thái bình thường của các doanh nghiệp” - anh Hải chia sẻ. Dù đây là một thời điểm tốt cho những nhà đầu tư cá nhân mua vào, anh Hải vẫn lưu ý về khả năng lượng cung quá lớn, dẫn tới việc giá trị các mã chứng khoán bị chênh so với thực tế.
FOMO (fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) là trạng thái tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội hoặc trở thành người đứng ngoài trào lưu của đám đông. Trong thị trường chứng khoán, khi giá cổ phiếu liên tục thay đổi, các “người chơi” khác liên tục bàn luận và hành động dễ khiến nảy sinh tâm lý muốn thay đổi danh mục đầu tư, dù thị trường đang biến động hay thay đổi ấy không phù hợp với “profile” . Nguyên nhân là do bạn sợ mình trở thành “người tối cổ”, “lạc hậu”, “đứng ngoài cuộc chơi” khi thị trường đang uptrend mỗi ngày.
Mr. X30 nhấn mạnh, theo dõi hoạt động các quỹ ngoại tuy có thể mang lại thông tin, nhưng rất khó đoán được động cơ thực sự đằng sau. Đôi khi chỉ đơn giản là vì thời gian hoạt động của quỹ tại Việt Nam đã gần hết, chứ chưa hẳn vì cổ phiếu ấy đã hết “tín”. Bởi vậy, các “chứng sĩ” cần tỉnh táo tìm hiểu và đánh giá, từ đó có cho mình những nước đi phù hợp.
Quản trị vốn bừa bãi
Trước bình luận của một khán giả: “Tin tức truyền thông luôn chậm hơn thị trường thật”, BTV Hoàng Nam cho hay: “Đồng tiền trên thị trường chứng khoán thường được coi là đồng tiền thông minh , bởi dòng tiền này đến từ những người có khả năng dự đoán một phần sự chuyển hướng của dòng tiền.” Chẳng hạn giai đoạn cuối năm 2022, nhiều nhà đầu tư rơi vào tâm lý tiêu cực khi liên tục xuất hiện các tin tức xấu liên quan đến thị trường tài chính lẫn môi trường vĩ mô, VN-Index liên tục tụt điểm. Tuy nhiên, vẫn có những người đã dự đoán năm 2023 sẽ có sự thay đổi liên quan tới chính sách tiền tệ quốc gia hay Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất,... Tình hình thực tế thị trường thời gian qua cũng đã chứng minh những nhận định trên là có cơ sở và hợp lý.
“Thiếu sự tự tìm hiểu” tức thiếu hiểu biết về thị trường và các yếu tố tác động tới thị trường, thiếu hiểu biết về khả năng đầu tư, khẩu vị rủi ro của bản thân,... Bởi mục tiêu, phương pháp đầu tư của mỗi người là khác nhau, “thiếu sự tự tìm hiểu” sẽ khiến các chứng sĩ dễ rơi vào cảnh FOMO, luôn thấp thỏm, phụ thuộc vào các động thái từ thị trường hay các nhà đầu tư khác thay vì tự quyết dòng tiền. Theo dõi những nguồn thông tin, kiến thức uy tín và phù hợp sẽ là giải pháp để nhà đầu tư ngày một tự chủ, “thông minh hóa” dòng tiền của mình.
Theo Nhịp sống thị trường
Bình luận
0 Bình luận