Kinh tế thế giới

Temu áp phí nhập khẩu tới 145%, người dùng Mỹ đồng loạt ‘quay xe’

Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu vừa bắt đầu áp dụng "phí nhập khẩu" lên tới khoảng 145% đối với các đơn hàng của khách Mỹ, nhằm phản ứng trước chính sách thuế mới do Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Các khoản phí này bắt đầu xuất hiện từ cuối tuần qua, sau khi Temu điều chỉnh giá vào thứ Sáu. Theo phân tích của CNBC, mức phí nhập khẩu hiện tại thậm chí còn cao hơn giá trị sản phẩm, khiến giá trị đơn hàng có thể tăng gấp đôi.

Temu áp phí nhập khẩu tới 145%, người dùng Mỹ đồng loạt ‘quay xe’ - ảnh 1
Đầu tháng này, Temu đã cảnh báo rằng họ sẽ tăng giá “do những thay đổi gần đây về luật lệ thương mại và thuế quan toàn cầu”

Ví dụ, một chiếc váy hè có giá niêm yết 18,47 USD sẽ đội lên thành 44,68 USD sau khi cộng thêm 26,21 USD phí nhập khẩu, tương đương mức phụ phí 142%. Một bộ đồ bơi trẻ em giá 12,44 USD sẽ có giá thực tế 31,12 USD khi tính thêm phí, tức mức phụ phí 150%. Một máy hút bụi cầm tay niêm yết 16,93 USD sẽ đội giá lên 40,11 USD với mức phí 21,68 USD, tương đương tăng 137%.

Trên website của mình, Temu lý giải: "Hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể chịu phí nhập khẩu. Các khoản phí này bao gồm mọi chi phí liên quan đến thủ tục hải quan, bao gồm cả thuế nhập khẩu nộp thay cho khách hàng." Temu cũng lưu ý số tiền hiển thị "không nhất thiết phản ánh đúng số tiền thực tế đã nộp cho cơ quan hải quan".

Phía Temu hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về các khoản phí mới này.

Trong khi đó, đối thủ Shein cũng đã tăng giá sản phẩm nhưng không áp dụng phí nhập khẩu riêng lẻ. Thay vào đó, Shein hiển thị thông báo rằng "thuế quan đã được tính vào giá bán, khách hàng sẽ không phải trả thêm phí khi nhận hàng".

Động thái này diễn ra sau khi Temu và Shein cảnh báo hồi đầu tháng rằng họ sẽ phải điều chỉnh giá bán do Trump áp mức thuế 145% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt miễn trừ de minimis từ ngày 2/5. Miễn trừ de minimis từng là yếu tố giúp Temu và Shein phát triển nhanh chóng tại thị trường Mỹ.

"Chi phí vận hành của chúng tôi đã tăng do thay đổi trong quy định thương mại toàn cầu và thuế quan," Temu thông báo đầu tháng này. "Để tiếp tục cung cấp sản phẩm với chất lượng không đổi, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá bán từ ngày 25/4/2025".

Việc áp phí nhập khẩu nặng nề đã làm xói mòn lợi thế cạnh tranh từng giúp Temu ghi dấu ấn: giá rẻ. Kể từ khi ra mắt năm 2022, Temu nhanh chóng chiếm được lòng tin người tiêu dùng Mỹ nhờ các sản phẩm thời trang, điện tử, đồ gia dụng giá siêu rẻ, dù thời gian giao hàng kéo dài.

Giá rẻ từng cho phép người tiêu dùng eo hẹp tài chính tại Mỹ có cơ hội "chiều chuộng" bản thân với các món đồ không thiết yếu. Nhưng giờ đây, giá sản phẩm trên Temu đang tiệm cận với các đối thủ như Amazon, Walmart và Target, trong khi thời gian giao hàng vẫn kéo dài hàng tuần.

Kể từ sau khi Trump tuyên bố áp thuế mới, Temu đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Mỹ. Theo dữ liệu của Sensor Tower, xếp hạng ứng dụng Temu trên App Store đã lao dốc xuống vị trí 73, từ mức top 10 trước đó. Shein hiện đứng ở vị trí 54, giảm so với vị trí 15 hồi tháng trước.

Trên diễn đàn Reddit, người tiêu dùng Mỹ tràn ngập các bài đăng than phiền về việc Temu tăng giá và áp phí nhập khẩu. Một người dùng viết: "Tạm biệt Temu, thật tuyệt khi bạn còn tồn tại", mô tả giá hàng hóa "tăng vọt" chỉ trong một ngày. Một người khác châm biếm: "Từ mua sắm như tỷ phú thành mua sắm như nông dân chỉ sau một đêm".

Macinzi Morris, một khách hàng tại bang Missouri, cho biết cô đã mua một bộ chậu cây giá 12,25 USD ngay trước khi Temu tăng giá, nhưng đến thứ Sáu, giá bộ chậu đó đã tăng lên 30 USD. Morris cho biết cô từng mua sắm trên Temu vài lần mỗi tháng, nhưng giờ sẽ chuyển sang các nền tảng khác như Amazon vì "không còn lý do gì để trả thêm 140% phí khi có thể mua sản phẩm tương tự với giá bằng hoặc rẻ hơn, lại giao hàng nhanh hơn".

Một số trang tin và người tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng giá nhẹ trên từng sản phẩm trước khi Temu áp phí nhập khẩu. Dường như, các khoản phí mới chỉ áp dụng với những sản phẩm chưa được lưu kho tại các trung tâm phân phối nội địa Mỹ.

Trong năm qua, Temu đã nỗ lực xây dựng các kho hàng tại Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro thương mại, đồng thời khuyến khích nhà cung cấp lưu trữ hàng hóa tại địa phương. Hiện tại, Temu đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm giao từ kho nội địa.

Theo khảo sát hôm thứ Hai, hơn 75% sản phẩm trên trang "ưu đãi chớp nhoáng" của Temu đều gắn nhãn "giao từ Mỹ", kèm theo banner xanh nổi bật với dòng chữ "không áp phí nhập khẩu".

Theo CNBC

Thùy Dương - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính