Khi Elon Musk đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn ở Mỹ – từ áp lực chính trị, truyền thông cho đến doanh số bán hàng giảm sút – ông cũng đang chứng kiến một sự sa sút nghiêm trọng tại thị trường lớn thứ hai của mình: Trung Quốc.
Từng được ca ngợi như biểu tượng của đổi mới công nghệ và đầu tư nước ngoài kiểu mẫu, Tesla đang dần bị lép vế trước chính những đối thủ mà họ góp phần tạo ra. Câu chuyện thành công tại Trung Quốc giờ đây đang trở thành bài học cảnh báo về sự trỗi dậy của các “ông lớn” bản địa và những rào cản địa chính trị ngày càng phức tạp.

Vài năm trước, Tesla là mẫu xe điện hot nhất Trung Quốc. Elon Musk được chính quyền Bắc Kinh tiếp đón trọng thị, nhận được hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay. Trung Quốc kỳ vọng Tesla sẽ tạo hiệu ứng “cá lớn trong ao nhỏ” – kích thích ngành xe điện nội địa cất cánh nhờ cạnh tranh và học hỏi công nghệ.
Nhưng đến nay, ưu thế ấy đang phai nhạt. Thị phần xe năng lượng mới (gồm xe điện và hybrid cắm sạc) của Tesla tại Trung Quốc giảm mạnh, chỉ còn 4% vào tháng 5/2025 – so với 11% vào đầu năm 2021, theo số liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc.

Trong cùng kỳ, BYD chiếm gần 29% thị phần, còn Xiaomi – hãng chỉ mới gia nhập thị trường một năm – đã chiếm gần 3%.
Tesla bán được chưa đến 40.000 xe trong tháng 5, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi toàn thị trường lại tăng trưởng tới 28%.
Người tiêu dùng chê nhàm chán, nhân viên than kiệt sức
Tại Trung Quốc, Tesla đang dần mất đi hình ảnh tiên phong. Người tiêu dùng chê sản phẩm của hãng ngày càng lỗi thời, thiếu tính bản địa hóa và không theo kịp xu hướng thị trường.
Trong khi các hãng xe nội địa tích hợp đủ loại tiện ích như màn hình giải trí cỡ lớn, tủ lạnh mini, camera selfie, trợ lý ảo điều khiển nhà thông minh…, Tesla vẫn trung thành với thiết kế tối giản và hạn chế tính năng giải trí.

Một khách hàng 34 tuổi tại Thượng Hải, từng lái Model 3, đã bán xe vì công ty nhà nước nơi anh làm việc không cho phép đỗ xe Tesla trong khuôn viên, do lo ngại rò rỉ dữ liệu. Anh chuyển sang mua mẫu SU7 của Xiaomi – mẫu xe được tích hợp hệ sinh thái thông minh với trợ lý giọng nói Xiao Ai.
“Bạn có thể nói với xe bật điều hòa phòng khách trước khi về đến nhà. Đó là cảm giác tuyệt vời,” anh nói. “Còn Tesla thì giờ như iPhone vậy, thiếu đổi mới và dần nhàm chán”.

Trong nội bộ, các nhân viên Tesla tại Trung Quốc cũng không giấu được sự thất vọng. Họ nhiều lần báo cáo về việc sản phẩm không còn hấp dẫn, nhưng các phản hồi từ trụ sở tại Mỹ đều rất chậm trễ. Một nhân viên tại Bắc Kinh tiết lộ: chỉ tiêu bán hàng bị nâng từ 4 xe/tuần lên ít nhất 1 xe/ngày. Thời gian làm việc tăng lên 12 giờ/ngày.
Tesla từng hứa phát triển một mẫu xe “đậm chất Trung Quốc”, nhưng kế hoạch đó sau cùng bị gác lại. Thay vào đó, hãng chuyển sang chiến lược “giá rẻ tối giản” – giảm tính năng để dễ sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm 36.700 USD của Model Y vẫn khó cạnh tranh với mẫu Sealion 07 của BYD, chỉ khoảng 26.400 USD.
Tesla từng bị phàn nàn vì thiếu các ứng dụng địa phương. Dù đã tích hợp một vài ứng dụng như Mango TV từ năm 2023, số lượng vẫn kém xa các đối thủ Trung Quốc.

Một cú sốc lớn khác với Tesla là việc Trung Quốc vẫn chưa cấp phép triển khai phần mềm hỗ trợ lái Full Self-Driving (FSD). Công nghệ này sử dụng hệ thống AI được huấn luyện qua hàng triệu video thực tế, và đã được triển khai rộng rãi ở Mỹ từ đầu 2024.
Musk từng hy vọng triển khai FSD tại Trung Quốc không chỉ để tăng doanh số, mà còn tận dụng dữ liệu phong phú tại đây để cải thiện thuật toán. Tuy nhiên, luật an ninh mạng Trung Quốc cấm xuất dữ liệu ra nước ngoài, khiến kế hoạch huấn luyện AI gặp bế tắc. Mọi nỗ lực chuyển dữ liệu về Mỹ đều bị chặn đứng.
Tesla từng tính phương án huấn luyện tại chỗ, nhưng không thể tiếp cận các dòng chip cao cấp do Mỹ kiểm soát xuất khẩu. Sau 9 tháng đàm phán, mọi thứ rơi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc không ngồi yên. XPeng ra mắt hệ thống tự lái XNGP, BYD phát triển “Eyes of God” – cảm hứng từ vị thần ba mắt trong thần thoại Trung Hoa, cho phép xe di chuyển trong nội đô mà gần như không cần can thiệp của con người. Baidu và Pony.ai đã đưa hàng nghìn robotaxi ra vận hành thử nghiệm – điều mà Tesla chưa làm được tại Trung Quốc.
Mối quan hệ với Bắc Kinh không còn như xưa
Dù vẫn coi Tesla là biểu tượng đầu tư nước ngoài thành công, giới chức Trung Quốc giờ đây không còn xem Elon Musk là “tài sản địa chính trị” như trước. Mối quan hệ rạn nứt giữa Musk và Donald Trump đã khiến Bắc Kinh tỏ ra dè dặt, sau khi từng kỳ vọng ông có thể đóng vai trò xây cầu nối trong quan hệ Mỹ - Trung.
Tháng 1/2025, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính từng gặp Musk ở Washington, kêu gọi ông đóng vai trò “xây dựng”. Nhưng theo các nguồn tin, Musk không mặn mà.

Chuyên gia Michael Dunne – cựu Giám đốc điều hành GM – cho rằng: “Không nên đánh giá thấp Elon Musk hay Tesla, nhưng ông ấy hiểu rõ: không có thương hiệu nước ngoài nào trụ vững mãi tại Trung Quốc”.
Từng hãng lớn như Motorola, Apple cũng đã trải qua vòng lặp: thành công ban đầu, rồi dần bị thay thế bởi đối thủ nội địa với giá rẻ và công nghệ bản địa hóa tốt hơn. Apple từ vị trí số 1 về smartphone ở Trung Quốc năm 2023 đã rơi xuống hạng 3 vào 2025.
Cuối tháng 3/2025, Tesla bắt đầu xuất khẩu pin Megapack từ nhà máy mới ở Thượng Hải sang Úc – lĩnh vực mà Trung Quốc đang đầu tư mạnh. Trong mảng robot hình người Optimus, Tesla vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện từ Trung Quốc.
Các kỹ sư Trung Quốc giúp Tesla tối ưu thiết kế và giảm chi phí đến mức công ty không ngừng nhập hàng ngay cả sau khi Mỹ áp thuế cao. Nhưng điều này cũng tạo cơ hội cho các startup như Unitree hay Agibot tăng tốc phát triển – và sẵn sàng cạnh tranh ngược lại với chính Tesla.
Trong một cuộc họp gần đây, Musk thừa nhận: “Tôi lo rằng từ vị trí số 2 đến 10 trong ngành robot hình người rồi sẽ là các công ty Trung Quốc”.
Theo WSJ
Thanh Lê - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận