Bất động sản

Thành phố ít dân nhất Việt Nam sẽ có thêm khu công nghệ sản xuất phần mềm gần 2.000 tỷ

Theo thiết kế, khu công nghệ sẽ bao gồm các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, với cơ sở hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường.

UBND TP. Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghệ và sản xuất phần mềm tại Khu đô thị mới An Vân Dương.

Dự án được quy hoạch trên lô đất DV5 thuộc Khu E - Đô thị mới An Vân Dương (phường Thủy Vân, quận Thuận Hóa), có diện tích hơn 5ha.

Theo thiết kế, khu công nghệ sẽ bao gồm các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, với cơ sở hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công trình có quy mô tối đa 9 tầng nổi và 2 tầng hầm, mật độ xây dựng không vượt quá 40%, hệ số sử dụng đất tối đa 3,6 lần.

Công suất thiết kế của dự án đủ đáp ứng cho khoảng 10.000 lao động chuyên môn trong các lĩnh vực như lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thiết kế và xuất khẩu phần mềm.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh theo quy định tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đạt điều kiện, UBND TP. Huế sẽ thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định hiện hành. Sở Tài chính được giao tổ chức mời gọi nhà đầu tư và thẩm định hồ sơ.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.777,746 tỷ đồng, trong đó hơn 1.764 tỷ đồng dành cho chi phí xây dựng và khoảng 13 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm tối thiểu 20% vốn tự có, phần còn lại huy động từ tổ chức tín dụng hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, thời gian thực hiện không quá 10 năm kể từ ngày được giao đất. Trong đó, yêu cầu nhà đầu tư phải khởi công chậm nhất trong vòng 12 tháng sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai. Nhà đầu tư cũng được phép phân kỳ đầu tư theo tiến độ phù hợp.

Là dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (sản xuất phần mềm), nhà đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất trong 11 năm và hưởng các chính sách ưu đãi thuế theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, các ưu đãi chỉ được áp dụng khi nhà đầu tư đảm bảo thực hiện đầy đủ mục tiêu dự án, các cam kết và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Trước đó, UBND TP. Huế đã chính thức thông qua Nghị quyết về đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hương Lâm – Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt.

Đây là một động thái chiến lược nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, cũng như Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu công nghiệp Hương Lâm sẽ tọa lạc trên địa phận hai xã Lâm Đớt và Đông Sơn, huyện A Lưới, với tổng diện tích lên đến 140ha. Vị trí này được đánh giá cao nhờ sự thuận lợi về giao thông khi phía Bắc giáp đường Hồ Chí Minh và sông A Sáp, phía Tây và phía Nam giáp xã Đông Sơn, và phía Đông giáp đất quy hoạch cây xanh và đất nông nghiệp. Với quy mô lao động dự kiến từ 4.000 đến 5.000 người, khu công nghiệp này sẽ đóng góp đáng kể vào việc giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc. Trong đợt điều chỉnh này, có 4 thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sáp nhập, gồm TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ và TP. Đà Nẵng.

Đáng chú ý, TP. Hà Nội và TP. Huế là hai thành phố duy nhất không nằm trong diện sáp nhập, vẫn giữ nguyên hiện trạng hành chính như trước.

Sau sáp nhập, TP. HCM trở thành địa phương đông dân nhất cả nước với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, nhờ việc hợp nhất với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.

Trong khi đó, TP. Huế với dân số hơn 1,4 triệu người và mật độ khoảng 289 người/km2 trở thành thành phố ít dân nhất Việt Nam.

Việt Hoàng - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn