Toàn cầu

Thị trường toàn cầu nín thở chờ quyết định lãi suất của Fed đêm nay, lo ngại một bước 'sai nhịp' sẽ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với bài toán khó khi phải cân bằng giữa nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro lạm phát kéo dài, trong bối cảnh chính sách thuế nhập khẩu được triển khai thiếu nhất quán dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Kịch bản hiện tại đặt Fed vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Hoặc giữ lãi suất cao để tiếp tục kiềm chế lạm phát, hoặc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, bất chấp nguy cơ khiến giá cả leo thang do thuế quan và gián đoạn chuỗi cung ứng. “Chúng tôi sẽ phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn”, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận hồi tháng trước.

Thị trường toàn cầu nín thở chờ quyết định lãi suất của Fed, lo ngại một bước 'sai nhịp' sẽ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Mỹ - ảnh 1
Chủ tịch Fed Jerome Powell

Chậm cắt giảm lãi suất để chờ dữ liệu rõ ràng hơn

Dự kiến tại cuộc họp chính sách rạng sáng ngày 8/5 (theo giờ Việt Nam), Fed sẽ duy trì lập trường thận trọng về thời điểm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Các quan chức cho rằng cần “nhìn thấy rõ” các dấu hiệu suy yếu kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, trước khi hành động.

“Fed sẽ không cắt lãi suất chỉ vì dự báo kinh tế chậm lại. Họ cần bằng chứng rõ ràng trong dữ liệu thực tế”, ông Richard Clarida, cựu Phó Chủ tịch Fed nhận định.

Tuy nhiên, nếu chờ đến khi nền kinh tế thực sự suy yếu, Fed có thể đối mặt với suy thoái sâu hơn – điều từng diễn ra trong các chu kỳ trước. “Fed của ông Powell thường đợi cho đến khi dữ liệu đủ chắc chắn, rồi hành động rất nhanh”, người từng giữ chức Thống đốc Fed từ năm 2014 đến năm 2023 và cựu phó Chủ tịch Lael Brainard nói thêm.

Thuế quan gây thêm áp lực lên quyết định chính sách

Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu có thể khiến giá cả hàng hóa tăng đột biến trong ngắn hạn, trong khi những bất ổn đi kèm có thể kéo giảm hoạt động kinh tế – tạo ra tình trạng đình lạm (stagflation).

Trong tình huống đó, Fed sẽ khó có lý do để sớm hạ lãi suất, vì cắt giảm lãi suất có thể khiến kỳ vọng lạm phát mất kiểm soát. Nhưng nếu thất nghiệp tăng mạnh, áp lực cắt giảm sẽ dâng cao.

Thị trường toàn cầu nín thở chờ quyết định lãi suất của Fed, lo ngại một bước 'sai nhịp' sẽ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Mỹ - ảnh 2
Thuế quan của Tổng thống Trump có nguy cơ gây áp lực lạm phát

“Câu hỏi lớn là lạm phát tăng do thuế quan có chỉ là tạm thời hay không. Nếu không, Fed sẽ phải hành động rất thận trọng”, bà Brainard phân tích.

Trong nội bộ Fed, một số quan chức như Christopher Waller cho rằng tác động giá cả từ thuế quan sẽ chỉ kéo dài trong năm nay và Fed nên sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng nếu cần. Tuy nhiên, những người khác vẫn lo ngại rủi ro lạm phát, nhất là sau bài học sai lầm năm 2021 khi đánh giá thấp đà tăng giá.

Thị trường toàn cầu nín thở chờ quyết định lãi suất của Fed, lo ngại một bước 'sai nhịp' sẽ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Mỹ - ảnh 3
Thống đốc Fed Christopher Waller

Bà Beth Hammack, tân Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, cho biết bà ủng hộ cách tiếp cận thận trọng: “Tôi thà chậm mà đúng còn hơn nhanh mà sai”.

Rủi ro từ kỳ vọng lạm phát và gián đoạn nguồn cung

Một yếu tố quan trọng là kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp: Nếu mọi người tin rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt, thì chi phí kiểm soát giá cả sẽ ít hơn. Ngược lại, nếu kỳ vọng không còn "neo chặt", thì hành động chính sách sẽ phải mạnh tay hơn.

Ngoài ra, các gián đoạn chuỗi cung ứng – do thiếu hụt hàng hóa – có thể đẩy giá lên ngoài mức mà lãi suất có thể kiểm soát được. Trong trường hợp đó, giảm lãi suất sớm không giúp ích cho tăng trưởng mà còn làm tăng chi phí. “Lãi suất thấp không giải quyết được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston cảnh báo.

Tình thế càng trở nên nhạy cảm khi ông Donald Trump – người chỉ trích gay gắt Chủ tịch Powell – đang trở lại đường đua chính trị. Vì thế, Fed phải tính toán kỹ cách phát tín hiệu ra bên ngoài: nếu tỏ ra quá "mềm mỏng", thị trường có thể hiểu nhầm rằng Fed sắp hạ lãi suất. Nhưng nếu phát đi tín hiệu quá "cứng rắn", điều này có thể khiến doanh nghiệp và người lao động tăng giá và lương để đề phòng lạm phát.

“Ngay cả khi tôi muốn giảm lãi suất, tôi vẫn sẽ nói cứng để giữ kỳ vọng lạm phát ổn định”, ông Robert Kaplan, cựu Chủ tịch Fed Dallas, chia sẻ.

Dù các dấu hiệu về chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động sẽ là yếu tố quyết định, Fed đang bước vào một giai đoạn mà hành động quá sớm hay quá muộn đều tiềm ẩn rủi ro lớn. “Có lúc kiên nhẫn và chấp nhận bị coi là chậm còn hơn là hành động sai thời điểm”, ông Kaplan kết luận.

Tham khảo WSJ

Mộc Ngư - nguoiquansat.vn

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn