Kinh tế thế giới

THUẾ QUAN HOA KỲ: Tiến triển các cuộc đàm phán trước 'Giờ G'

Khi thời gian tạm hoãn thuế quan của Mỹ đối với các nước sắp cận kề (ngày 9/7), các vòng đàm phán vẫn đang được xúc tiến.

THUẾ QUAN HOA KỲ: Tiến triển các cuộc đàm phán trước 'Giờ G'- Ảnh 1.
Khi thời gian tạm hoãn thuế quan của Mỹ đối với các nước sắp hết (ngày 9/7), các vòng đàm phán vẫn đang được xúc tiến

Về thỏa thuận thuế quan Mỹ - Anh

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 5 năm nay giữa London và Washington, thuế quan của Mỹ đối với ô tô của Anh sẽ giảm từ 27,5% xuống 10%, với giới hạn 100.000 xe một năm. Thỏa thuận này cũng xóa bỏ hoàn toàn thuế quan 10% đối với các mặt hàng như động cơ và phụ tùng máy bay. Đổi lại, Anh đã đồng ý mở rộng thị trường hơn nữa cho ethanol và thịt bò của Mỹ.

Ngày 29/6, thỏa thuận cắt giảm thuế đối với ô tô và thiết bị hàng không vũ trụ xuất khẩu của Anh sang Mỹ có hiệu lực, trong khi hai bên tiếp tục đàm phán về thuế thép.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Anh cho biết với thỏa thuận này, các nhà sản xuất ô tô và hàng không vũ trụ của Anh xuất khẩu sang Mỹ sẽ được áp thuế thấp hơn, cứu hàng nghìn việc làm trong ngành này. Trong cùng một tuyên bố, Thủ tướng Keir Starmer gọi đây là "thỏa thuận thương mại lịch sử", sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Anh và bảo vệ việc làm của Anh.

Hiện, London vẫn đang đàm phán để giảm mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ. Trong một tuyên bố, Bộ Thương Mại Anh cho biết mục tiêu là đưa mức thuế quan đối với các sản phẩm thép cốt lõi về 0%.

Về thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung Quốc

Ngày 27/6, Mỹ và Trung Quốc xác nhận đã ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, được gọi là "khung trong khung" – tức một khung thỏa thuận tạm thời nhằm duy trì lệnh đình chiến đạt được tại Geneva vào tháng 5 và cuộc đàm phán tại London vào tháng 6.

Mặc dù hai bên đều mô tả thỏa thuận là đã "ký kết," nhưng thực chất đây chỉ là bước lùi chiến thuật nhằm giảm căng thẳng sau khi mức thuế trừng phạt được đẩy lên đỉnh điểm. Với thời hạn 90 ngày, thỏa thuận tạm thời này không giải quyết các vấn đề gốc rễ như sở hữu trí tuệ hay tiếp cận thị trường, mà chủ yếu hoàn nguyên các leo thang gần đây và tạo dư địa đối thoại tiếp theo.

Về đàm phán với EU

Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã tới Washington D.C. vào ngày 1/7 để gặp gỡ các đối tác Mỹ và xem xét các đề xuất dự thảo từ Mỹ. Dù tiến triển vẫn chưa rõ ràng, nhưng EU gồm 27 thành viên cho biết, các quy định của khối này về phương tiện truyền thông xã hội và các công ty công nghệ khác, nghiêm ngặt hơn nhiều so với Mỹ, là không thể đàm phán.

Trong khi đó, EU sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận với Mỹ, theo đó áp dụng mức thuế chung 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối này, nhưng EU đang tìm kiếm các cam kết của Washington về việc giảm thuế trong các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại. Ngoài ra, EU cũng đang thúc đẩy Mỹ áp dụng hạn ngạch và miễn trừ để giảm nhẹ mức thuế 25% của Washington đối với ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như mức thuế 50% đối với thép và nhôm.

Về đàm phán với Hàn Quốc

Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung ngày 3/7 đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nhằm đạt được kết quả cùng có lợi, dựa trên nguyên tắc ngoại giao thực dụng tập trung vào lợi ích quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp báo đánh dấu tháng đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Lee Jae Myung cho biết Seoul và Washington đang tiếp tục đàm phán để giảm mức thuế đối ứng 25% mà Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Dù nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực hết mình trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, ông Lee Jae Myung lưu ý không thể khẳng định rằng liệu các cuộc đàm phán có thể kết thúc trước hạn chót ngày 8/7 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra hay không.

Ông cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc xác định các lĩnh vực có thể đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán với Mỹ, trong bối cảnh những mong muốn cụ thể của mỗi bên nhằm đạt được kết quả cùng có lợi vẫn chưa rõ ràng.

Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết Trưởng đoàn đàm phán thương mại Hàn Quốc đang lên kế hoạch đến Washington cuối tuần này nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Về đàm phán với Nhật Bản

Ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng khó có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản trước thời hạn chót ngày 9/7, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này lên 30-35%.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump tỏ ra không hài lòng về việc Nhật Bản hạn chế nhập khẩu gạo của Mỹ cũng như sự mất cân bằng trong ngành thương mại ô tô giữa hai nước. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông sẽ gửi thư cho Tokyo về việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản lên 30-35%, cao hơn nhiều mức 24% đưa ra trước đó.

Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Trump, ngày 2/7, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định ông sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo kênh truyền hình TV Asahi, Trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Ryosei Akazawa, sẽ tới Mỹ vào cuối tuần này để tiếp tục đàm phán thương mại. Trước đó, ông thông báo hai bên đã đạt được một số tiến triển trong vòng đàm phán thứ 5 nhưng vẫn còn một số vấn đề có sự thống nhất.

Về đàm phán với Ấn Độ

Ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, qua đó giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc gia Nam Á này.

Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng Ấn Độ sẵn sàng hạ thấp các rào cản đối với doanh nghiệp Mỹ, qua đó mở đường cho một thỏa thuận có thể giúp Ấn Độ tránh được mức thuế đối ứng mà ông từng công bố ngày 2/4 và sau đó tạm hoãn đến ngày 9/7.

Trả lời kênh truyền hình Fox News của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Washington và New Delhi đang tiến rất gần tới một thỏa thuận thương mại, qua đó giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ vào quốc gia Nam Á này và giúp hàng hóa của Ấn Độ tránh được nguy cơ bị áp thuế cao hơn sau thời hạn 9/7.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang ưu tiên thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, trước thời hạn chót nói trên.

Về đàm phán với Nam Phi

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi ngày 1/7 cho biết nước này đã yêu cầu phía Mỹ thêm thời gian để đàm phán một thỏa thuận thương mại trước khi mức thuế quan cao hơn có hiệu lực vào ngày 9/7.

Với Nam Phi, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế đối ứng 31% đối với hàng nhập khẩu nhập khẩu vào Mỹ, trước khi tạm dừng áp dụng trong 90 ngày để đàm phán.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Nam Phi đang đặt mục tiêu bảo đảm một thỏa thuận thương mại sẽ miễn một số mặt hàng xuất khẩu chính của nước này khỏi thuế quan, bao gồm ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm. Đổi lại, Nam Phi cũng đề nghị mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh cho biết, trong kịch bản bất lợi nhất, nước này cũng đang tìm cách để Mỹ chỉ áp mức thuế quan tối đa 10%. Tuần trước, các quan chức Nam Phi đã gặp Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách khu vực châu Phi, bà Connie Hamilton, trong khuôn khổ hội nghị ở thủ đô Luanda (Angola) và được biết rằng Mỹ đang xây dựng một khuôn mẫu để sử dụng cho các hoạt động hợp tác với các quốc gia châu Phi.

An Bình - nguoiquansat.vn

Theo baochinhphu.vn