Kinh tế thế giới

Thương chiến Mỹ - Trung vào giai đoạn mới, nhiều quốc gia 'mắc kẹt' giữa hai siêu cường

Các quốc gia đang bị mắc kẹt giữa 2 siêu cường, một bên là thị trường lớn nhất thế giới và một bên là nhà xuất khẩu lớn nhất hành tinh.

Trong Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất giữa Mỹ và Liên Xô, hai siêu cường chủ yếu đối đầu thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm. Một điều tương tự đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Sau các cuộc đàm phán mang tính xoa dịu tại Geneva và London, hai bên không còn tung ra các đòn thuế mới trực tiếp nhắm vào nhau. Thay vào đó, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến một cách gián tiếp – thông qua những nước thứ ba.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư tới Nhật Bản, Hàn Quốc và khoảng 12 đối tác thương mại khác, gia hạn thời hạn đàm phán thương mại từ 9/7 sang 1/8, đồng thời điều chỉnh các mức thuế sẽ áp dụng nếu đàm phán thất bại. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể phải đối mặt với mức thuế 25%. Campuchia bị đe dọa mức thuế 36%; Myanmar và Lào lên tới 40%. Trong thư cũng nêu rõ rằng bất kỳ hàng hóa nào “trung chuyển” từ nơi khác sẽ bị áp mức thuế cao – mức mà các nước này muốn tránh. Dù Trung Quốc không được nêu tên, không khó để xác định “nơi khác” mà ông Trump ám chỉ là gì.

nham.jpg
(Ảnh: The Economist)

Chiến thuật ép buộc

Việc Mỹ ưu đãi cho một nước nếu nước đó trừng phạt nước khác là điều “chưa từng có tiền lệ” trong đàm phán thương mại, theo nhận định của học giả Achyuth Anil (Đại học Sussex) và các đồng tác giả. Trước những động thái gần đây của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố phản đối mạnh mẽ bất kỳ quốc gia nào thực hiện các thỏa thuận thương mại gây phương hại đến lợi ích của Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận và sẽ có biện pháp đáp trả kiên quyết”. Các nước, theo Trung Quốc, cần phải “đứng về phía đúng của lịch sử”.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn chưa rõ mình đang phải đối mặt với điều gì. Chính quyền ông Trump chưa làm rõ định nghĩa “trung chuyển” (transshipment). Nhưng Washington rõ ràng lo ngại việc Trung Quốc lách thuế bằng cách xuất hàng sang Mỹ thông qua nước thứ ba. Các nước này sau đó lại xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ. Xu hướng tương tự đã lặp lại trong năm nay, sau khi Mỹ áp thuế “có đi có lại” quy mô lớn vào tháng 4. Dù xuất khẩu trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 5 giảm hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, tổng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Nhiều quốc gia tăng mua hàng Trung Quốc đồng thời cũng xuất nhiều hơn sang Mỹ.

Dĩ nhiên, hiện tượng này không đồng nghĩa với hành vi lách thuế. Có thể các nước đang mua và bán các mặt hàng không liên quan. Ví dụ, Úc đã xuất thêm 133 triệu USD thịt bò đông lạnh sang Mỹ trong tháng 4 và 5 so với năm trước, nhưng cũng nhập thêm 186 triệu USD xe tải từ Trung Quốc. Rõ ràng, các doanh nghiệp Úc không dán nhãn xe tải thành thịt bò.

Tất nhiên, cách tốt nhất để ngăn gian lận xuất xứ là loại bỏ động cơ gian lận. Nếu Mỹ áp mức thuế giống nhau cho một mặt hàng bất kể nguồn gốc, các nhà xuất khẩu sẽ không còn lý do để nói dối. Mọi quốc gia sẽ bị đánh thuế bằng mức thấp nhất mà bất kỳ nước nào được hưởng. Hay nói cách khác, mọi quốc gia sẽ được hưởng “đối xử tối huệ quốc”.

Theo The Economist

Nhật Hạ - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính