Châu Âu

Thụy Điển lên kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất điện hạt nhân

Thụy Điển đang lập kế hoạch mở rộng “quy mô lớn” trong lĩnh vực điện hạt nhân. Đến năm 2045, quốc gia Bắc Âu mong muốn sở hữu khoảng 10 lò phản ứng hạt nhân mới, 2 trong số đó sẽ đi vào hoạt động từ năm 2035.

Thụy Điển lên kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất điện hạt nhân

Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch ngày 16/11 cho biết động thái mới nhất đồng nghĩa với chiến lược “tái cơ cấu mang tính lịch sử trong chính sách năng lượng của Thụy Điển”. Bà chia sẻ: “Đây là sự thay đổi chính sách từ sản xuất điện 100% tái tạo sang 100% không sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, Theo Bộ trưởng Busch, Thụy Điển “phải tăng gấp đôi sản lượng điện trong vòng 25 năm”. Để đạt được mục tiêu này, hạn chế về số lượng lò phản ứng hạt nhân sẽ được dỡ bỏ và các quy trình cấp phép cho các lò phản ứng mới sẽ được sắp xếp hợp lý và đẩy nhanh. Chính phủ Thụy Điển cũng đã quyết định đưa ra bảo lãnh tín dụng cho các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân mới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Busch khẳng định kế hoạch mở rộng nêu trên là cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng khi các ngành công nghiệp xanh phát triển và cũng vì “hệ thống điện chưa bao giờ mỏng manh như hiện nay”. Cũng trong buổi họp báo, Bộ trưởng Busch đã đề cập tới vấn đề lưới điện của Thụy Điển gần như sụp đổ do mất cân bằng hồi mùa Đông năm ngoái.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu năm ngoái đã sản xuất được 170 Terawatt giờ (TWh) điện, và 69% trong đó đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Thủy điện chiếm 41% tổng sản lượng, trong khi năng lượng hạt nhân và năng lượng gió lần lượt chiếm 29% và 19%. Cơ quan Năng lượng Thụy Điển dự báo nhu cầu tiêu thụ điện ở nước này có thể tăng gấp đôi lên mức 280 TWh/năm vào năm 2035 và tiếp tục tăng lên 370 TWh vào năm 2045.

 
PV
Theo ngaynay.vn