Không chỉ lập thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đây còn là nơi nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước thông qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THPT.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương có số lượng điểm 10 thi tốt nghiệp THPT môn Toán nhiều nhất là Hà Nội với 93 điểm 10.
Các địa phương khác trong top có nhiều điểm 10 môn Toán gồm: TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên, Đắk Lắk.

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều điểm 10 nhất ở các môn Hóa học, Tin học và Tiếng Anh.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội lọt top của hầu hết các bảng xếp hạng điểm cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hà Nội là Thủ đô và là đô thị đặc biệt của Việt Nam. Đây còn là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục quan trọng của cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là làng Đông Ngạc – một trong những ngôi làng khoa bảng nổi tiếng nhất cả nước. Làng Đông Ngạc, xưa kia có tên gọi là Kẻ Vẽ, được hình thành vào cuối thời Trần, khoảng từ năm 1346 - 1370. Sau đó, làng được đổi tên thành Đông Ngạc. Dân gian vẫn lưu truyền câu: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, nhằm ca ngợi truyền thống hiếu học và thành đạt của vùng đất này.
Trong suốt gần nửa thiên niên kỷ, từ thời Trần đến thời Nguyễn, làng đã đóng góp cho đất nước 22 vị khoa bảng thuộc hàng tiến sĩ, bảng nhãn, phó bảng cùng hơn 400 người đỗ cử nhân, tú tài. Theo quy định của các triều đại phong kiến, những làng có từ 10 người đỗ tiến sĩ trở lên được xếp vào hàng làng khoa bảng – và Đông Ngạc là một trong số ít địa phương vinh dự mang danh hiệu này.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là nền giáo dục Nho học. Ảnh: Internet.
Trải qua hàng trăm năm, người con Hà Nội vẫn không ngừng học tập, phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của ông cha. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong năm học 2024 - 2025, toàn thành phố có tổng cộng 2.913 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, tăng 39 trường so với năm học trước. Số lượng học sinh đạt khoảng 2.238.000 em, phân bổ vào 70.150 lớp học, tăng 48.000 học sinh so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng giáo viên hiện có khoảng 130.000 người. Ngoài ra, thành phố còn có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đang hoạt động.
Trong số các trường trên, khối công lập chiếm 2.310 trường (tăng 26 trường so với năm trước), với khoảng 1.905.000 học sinh và 51.000 lớp học, tăng thêm khoảng 38.000 học sinh so với năm học trước. Đội ngũ giáo viên khối công lập đạt khoảng 92.000 người.
Từ ngày 15/1, Hà Nội chính thức bổ sung thêm hai trường trung học phổ thông chuyên là Trường THPT Chuyên Chu Văn An và Trường THPT Chuyên Sơn Tây. Như vậy, hiện nay thành phố có bốn trường THPT chuyên thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.

Không chỉ lập thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Hà Nội còn là nơi nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước thông qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THPT.
Theo kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, cả nước có 3.803 thí sinh đạt giải trong tổng số 6.482 thí sinh tham dự, chiếm tỷ lệ 58,68%.
Trong đó, Hà Nội có nhiều thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2024 - 2025 nhất với 371 học sinh. Với kết quả này, Hà Nội là địa phương 13 năm liên tiếp có nhiều học sinh đạt giải HSGQG nhất cả nước kể từ năm học 2011 - 2012.
Linh Chi - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận