Cách đây đúng 4 năm, chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 3/2020 “kinh hoàng”, VN-Index rơi xuống đáy dài hạn dưới tác động của sự kiện “thiên nga đen” Covid-19. Từ đây, bộ mặt của thị trường chứng khoán đã thay đổi hoàn toàn.
Tháng 3 hàng năm thường là khoảng thời gian dễ thở đối với chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê, VN-Index có 18 lần tăng điểm vào tháng 3 trong 24 năm qua, tương ứng xác suất lên đến 75%. Mặc dù ít khi mất điểm nhưng thực tế mỗi lần giảm trong tháng 3, mức giảm của chỉ số đều rất lớn, đặc biệt là năm 2020.
Từ đây, bộ mặt của thị trường chứng khoán thay đổi hoàn toàn. Bước ngoặt đến từ việc chứng khoán được xếp vào loại dịch vụ, hàng hoá thiết yếu và được phép hoạt động bình thường trong thời kỳ giãn cách xã hội. Quyết định này trở thành cú huých đưa chứng khoán đến gần hơn với người dân qua đó thu hút thêm nhà đầu tư mới tham gia.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, dòng tiền nhàn dỗi có xu hướng tìm đến chứng khoán ngày càng lớn. Thị trường hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất chỉ sau vài tháng. Chính sách tiền tệ nới lỏng tạo ra môi trường tiền rẻ lãi suất thấp càng thúc đẩy nhà đầu tư mới chuyển dịch vốn sang chứng khoán.
Thế nhưng, sau giai đoạn thăng hoa, thị trường dần đối mặt với áp lực. Lãi suất có giai đoạn gia tăng, các hoạt động siết chặt kỷ cương nhằm ngăn chặn bong bóng trái phiếu sau nhịp tăng trưởng quá nóng, phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Sóng gió ập đến thị trường chứng khoán từ đầu quý 2/2022 khiến VN-Index có thời điểm rơi xuống vùng giá 950 điểm trước khi xu hướng hồi phục quay trở lại.
Sau năm 2022 mang tính bản lề, thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng với động lực chính đến từ xu hướng giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù con đường khá ghập ghềnh nhưng nhìn chung xu hướng hồi phục vẫn được duy trì, VN-Index hiện đã quay trở lại vùng đỉnh 19 tháng. So với thời điểm 4 năm trước, chỉ số đã tăng gần gấp đôi, nhưng vẫn còn cách khá xa đỉnh lịch sử từng chạm đến.
Nhìn chung, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được các tổ chức lớn đánh giá lạc quan, nhờ vĩ mô ổn định, lãi suất thấp và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Theo Dragon Capital, cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho tiền gửi có kỳ hạn khi lãi suất trung bình của tiền gửi 12 tháng hiện tại đã về 4,7%, so với mức đỉnh trên 10%.
Tuy nhiên, áp lực từ khối ngoại đang khiến cho đà tăng của thị trường chậm lại. Trong một năm trở lại đây, gần như tháng nào khối ngoại cũng bán ròng, tổng giá trị luỹ kế đã lên đến gần 2 tỷ USD (tính riêng trên HoSE). Điều này cho thấy những bất ổn kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, chuyên gia Dragon Capital cũng nhấn mạnh, Việt Nam hiện vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng rất cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Bên cạnh các quỹ ETF "tracking" theo các rổ chỉ số của MSCI và FTSE, dòng tiền lớn từ các quỹ chủ động cũng sẽ tìm đến đầu tư vào chứng khoán Việt Nam trong tương lai.
Hà Linh
Theo Đời sống Pháp luật
Bình luận
0 Bình luận