Doanh nghiệp niêm yết

Trực tiếp: Đang xét xử Trịnh Văn Quyết

8h05 khai mạc phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm.

Sáng nay 22/7, TAND Thành phố Hà Nội mở phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, liên quan bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm.

TAND TP Hà Nội xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và những người có quyền lợi, nghĩa vụ quyền lợi liên quan khác cũng được tòa án triệu tập.

Để chiếm đoạt được tiền, ông Quyết giao Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Cáo buộc cho rằng, các bị can thuộc Công ty Faros, một số công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế... đã thực hiện chỉ đạo của ông Phương và bà Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán..

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, để xảy ra hậu quả trên có sự tham gia, giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống.

trinh-van-quyet(1).jpg

Ông Trịnh Văn Quyết bị xác định là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch FLC cũng là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

8h05, phiên toà khai mạc. Các bị cáo giới thiệu bản thân, thời gian bị bắt tạm giam.

Các bị cáo giới thiệu bản thân, thời gian bị bắt tạm giam. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo phát biểu tại toà. Luật sư của bị cáo Trịnh Thị Tuyết Nga đề nghị HĐXX xác minh lại nội dung trên các cáo trạng, quyết định liên quan. Luật sư cho rằng, bị cáo không phải là kế toán của FLC. Ngoài ra, các luật sư của bị cáo Huế và bị cáo Nga đều đề nghị được tiếp xúc với thân chủ.

Bên cạnh đó, luật sư của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế đề nghị HĐXX cho bị cáo được dùng cáo trạng tại toà, được dùng giấy trắng, bút viết để ghi lại những lời khai của bị cáo khác liên quan bị cáo.

Hoàng Ngân

Theo Kiến thức đầu tư