Sáng nay (11/9) theo giờ Việt Nam, cuộc tranh luận trực tiếp giữa Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris và cựu Tổng thống Donald Trump chính thức diễn ra tại Philadelphia.
Đây đã là cuộc tranh luận thứ hai trong khuôn khổ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên bà Harris (ứng cử viên của đảng Dân chủ) đối đầu trực tiếp trên sân khấu với ông Trump (ứng cử viên của đảng Cộng hòa). Sau cuộc tranh luận đầu tiên, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã quyết định rút lui.
Cuộc tranh luận được rất nhiều người theo dõi diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đây là một cuộc chạy đua hết sức gắt gao trong khi chỉ còn 8 tuần nữa là đến ngày bầu cử.
![[Trực tiếp] Tranh luận trực tiếp Donald Trump - Kamala Harris: Nóng bỏng vấn đề kinh tế - ảnh 1](https://cdn.stockproxx.com/2024/9/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2024_09_11-_20240721-06-harris-trump-split_pgnp.jpg)
Quy tắc của cuộc tranh luận là sẽ không có khán giả, micro của ứng viên bị tắt khi đó không phải là lượt phát biểu của họ, và cả hai ứng viên không được phép ghi chép.
Ứng cử viên sẽ có hai phút để trả lời câu hỏi, hai phút để phản biện, và thêm một phút bổ sung cho các câu hỏi phụ, làm rõ, hoặc phản hồi.
Theo ABC News, ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bốc thăm để xác định vị trí đứng trên bục và giành được thứ tự phát biểu kết thúc trong cuộc tranh luận. Ông Trump đã chọn phát biểu kết thúc cuối cùng, còn bà Harris chọn vị trí bên phải trên màn hình.
Cuộc tranh luận được phát trực tiếp trên đài ABC vào lúc 9h tối (giờ ET), tức 8h sáng nay theo giờ Việt Nam.
Hai ứng viên bắt tay nhau

Cuộc tranh luận chính thức bắt đầu. Bước lên sân khấu, Phó Tổng thống Kamala Harris bước tới phía cựu Tổng thống Donald Trump và chìa tay ra. Ông Trump chấp nhận bắt tay.
Bà Harris giới thiệu mình bằng tên và nói: "Chúng ta hãy có một buổi tranh luận tốt đẹp". Ông Trump đáp lại: "Rất vui được gặp bà. Chúc vui vẻ."
Đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp.
Vấn đề đầu tiên được đem ra 'mổ xẻ': Kinh tế
Giá cả tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người Mỹ, những người đang vật lộn để trang trải chi phí sinh hoạt sau giai đoạn lạm phát tăng vọt. Theo một cuộc thăm dò mới của CNN tại sáu bang chiến trường, các vấn đề kinh tế vẫn là chủ đề được cử tri lựa chọn nhiều nhất khi được hỏi điều gì quan trọng trong việc chọn Tổng thống.
Kế hoạch kinh tế của hai ứng viên
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đã công bố thêm các kế hoạch kinh tế của mình vào tuần trước.
Cả hai đều đưa ra những cam kết kinh tế quan trọng trong chiến dịch tranh cử của họ.
Bà Harris tập trung vào việc kiểm soát giá cả và hỗ trợ các cộng đồng thu nhập thấp.
Trong khi đó, ông Trump tập trung vào việc giảm thuế doanh nghiệp, và chấm dứt đánh thuế trên phúc lợi an sinh xã hội và tiền tip. Ông còn đề xuất cấm thế chấp cho người nhập cư không giấy tờ, với lý do họ đẩy giá nhà lên cao.
Ông Trump gọi mức lạm phát cao dưới thời ông Biden là "thảm họa"
Là người phát biểu trước, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh kế hoạch giúp các gia đình Mỹ đang lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt. Bà khẳng định niềm tin vào "giấc mơ của người dân Mỹ" và đề xuất xây dựng một "nền kinh tế cơ hội," bao gồm các giải pháp như giảm giá nhà ở và mở rộng tín dụng thuế cho trẻ em.
Bà cũng chỉ trích các đề xuất của cựu Tổng thống Donald Trump, như việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn, và cho rằng chúng sẽ gây hại cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Đáp lại, ông Trump hứa sẽ áp thuế đối với các quốc gia khác, như Trung Quốc, và nhắc nhở rằng Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên các thuế này.
Ông cũng nhấn mạnh mức lạm phát cao dưới thời chính quyền Biden-Harris, gọi đó là "thảm họa" đối với tầng lớp trung lưu và mọi tầng lớp khác.
Bên cạnh đó, ông cam kết kéo dài các chính sách cắt giảm thuế từ Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm (TCJA) năm 2017, đặc biệt là giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp.
Tiếp tục cập nhật
Theo CNN
Hoàng Yến - nguoiquansat.vn
Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
Bình luận
0 Bình luận