Mục tiêu công khai của Mỹ là ký kết 90 thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược từ ngày 9/4, khi Washington tạm hoãn áp thuế trả đũa đối với khoảng chừng ấy quốc gia, và sẽ kéo dài đến thời hạn chót là ngày 8/7.
Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vẫn đang miệt mài đàm phán với Trung Quốc tại Thụy Sĩ đến tận tối muộn ngày 11/5, các đoàn đàm phán thương mại khác trên thế giới rơi vào tình thế bị bỏ rơi. Nhiều phái đoàn đã đến Washington với kỳ vọng thúc đẩy các thỏa thuận quan trọng, nhưng rồi phát hiện các nhà đàm phán của Mỹ lại đang ở nước ngoài, còn các cuộc họp thì bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Một quan chức – người đã dành nhiều công sức chuẩn bị lập trường chi tiết về quy định tiêm vắc-xin cho gia súc và vấn đề thao túng tiền tệ – đành tranh thủ ghé thăm Bảo tàng Hàng không và Không gian vừa được cải tạo. Ông ra về “gần như tay trắng như lúc mới đến”.
1/3 chặng đường trôi qua và mới chỉ có 2 thỏa thuận
Mục tiêu công khai của Mỹ là ký kết 90 thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược từ ngày 9/4, khi Washington tạm hoãn áp thuế trả đũa đối với khoảng chừng ấy quốc gia, và sẽ kéo dài đến thời hạn chót là ngày 8/7.
Tuy nhiên, khi đã trôi qua hơn một phần ba chặng đường, mới chỉ có hai thỏa thuận được công bố. Một với Anh - đồng minh lâu năm mà Mỹ đã đàm phán suốt cả thập kỷ. Thỏa thuận còn lại là với Trung Quốc - đối thủ mà Tổng thống Donald Trump từng phát động một cuộc chiến thương mại gay gắt trong nhiệm kỳ đầu.
Trong cả hai trường hợp, các mức thuế đã được hạ xuống, nhưng Mỹ không giành được nhượng bộ lớn nào từ hai quốc gia này.

88 quốc gia còn lại đã không tiếc công sức vận dụng mọi nguồn lực ngoại giao để thúc đẩy tiến trình đàm phán, nhưng kết quả đạt được vẫn chậm chạp và thiếu đồng đều. Không phái đoàn nào giữ được vị trí ưu tiên trong hàng chờ quá lâu – chỉ một vài tranh cãi về chi tiết trong văn bản thỏa thuận cũng đủ khiến họ bị đẩy xuống thứ hạng thấp hơn. Khi thời hạn chót ngày 8/7 ngày càng đến gần, áp lực ngày một gia tăng. Không quốc gia nào muốn bị bỏ lại phía sau.
Kể từ giữa tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump đã ưu tiên đàm phán với khoảng 20 nền kinh tế. Danh sách này bao gồm các đối tác thương mại lớn – những nước sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu các mức thuế trả đũa tạm hoãn được khôi phục – như Liên minh châu Âu hay Nhật Bản, cùng với một vài nền kinh tế nhỏ hơn như Fiji.
Một số nhà lãnh đạo có quan hệ thân thiết với ông Trump, chẳng hạn Tổng thống Argentina Javier Milei, cũng được đưa vào danh sách ưu tiên. Đối với những đối tác thương mại càng lớn, người tiêu dùng Mỹ sẽ càng cảm nhận rõ hơn sức ép tăng giá nếu không đạt được thỏa thuận.
Với tính chất đầy biến động của các cuộc đàm phán từ đầu đến nay, những lập luận mang tính lý trí không còn thực sự thuyết phục. Tất cả các cuộc thảo luận đều dễ dàng bị chi phối bởi cảm hứng nhất thời của Tổng thống.
Ban đầu, Mỹ ưu tiên các nước xuất khẩu lớn ở Đông Á như Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chỉ trích việc Mỹ kiên quyết loại bỏ thuế theo ngành khỏi khuôn khổ đàm phán là “không công bằng”, Ấn Độ đã nhanh chóng thế chỗ – chỉ để rồi lại tụt hạng vì tiến độ đàm phán quá chậm.
Bị đánh rớt khỏi danh sách ưu tiên, các quan chức Ấn Độ lập tức đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Mỹ. Trong khi đó, sau khi phái đoàn đàm phán của Tổng thống Trump nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt tại Thụy Sĩ vào cuối tuần qua, ông tuyên bố sẽ đẩy nước này lên thứ hạng cao hơn trong danh sách đàm phán.
Chỉ riêng Liên minh châu Âu là giữ vững vị trí… cuối hàng. Tổng thống Trump từng gọi khối này là “đối tác thương lượng còn khó chịu hơn cả Trung Quốc”. Còn Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thì mềm mỏng hơn khi nói: “Người Ý muốn điều này, còn người Pháp lại muốn điều khác”.
Ba điều tạm gọi là quy tắc đàm phán của nước Mỹ?

Ba đặc điểm nổi bật đã dần lộ rõ trong quá trình đàm phán đến thời điểm hiện tại.
Thứ nhất – và cũng là quan trọng nhất – không quốc gia nào có thể giữ được sự chú ý của Mỹ quá lâu. Trong điều kiện bình thường, các thỏa thuận thương mại thường được đàm phán song phương và ngay cả việc xác định những điều khoản cơ bản – điều mà Tổng thống Trump đang tập trung vào – cũng có thể kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ dường như tin rằng chiến lược “tăng tốc” hiện tại mang lại cho họ lợi thế. Nếu gặp bế tắc với một quốc gia, họ sẵn sàng chuyển sang quốc gia tiếp theo mà không do dự.
Trường hợp của Nhật Bản là một ví dụ rõ ràng: khi Tokyo kêu gọi Washington xóa bỏ mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, Mỹ lập tức phớt lờ và chuyển hướng sang đối tác khác.
Vấn đề nằm ở chỗ: mỗi khi một quốc gia được đẩy lên vị trí ưu tiên, hy vọng của các nhà đàm phán nước đó lại trỗi dậy. Họ tin rằng có thể chính mình sẽ là người chinh phục được chính quyền Trump và giành được một thỏa thuận đặc biệt có lợi.
Chẳng hạn, Ấn Độ từng cố gắng thuyết phục Mỹ xóa bỏ thuế đối với ô tô và thép như một phần của thỏa thuận "zero for zero". Thế nhưng, cho đến nay, chỉ có Anh là quốc gia duy nhất đạt được một nhượng bộ như vậy – và ngay cả khi đó, mức miễn trừ cũng chỉ giới hạn ở 100.000 xe ô tô mỗi năm. Khi những nỗ lực như vậy thất bại, các quốc gia lại bị thay thế trong danh sách ưu tiên. “Cảm giác như mỗi cơ hội chỉ mở ra trong một khoảng thời gian rất ngắn”, một nhà đàm phán nói.
Yếu tố tiếp theo là Trung Quốc. Các quốc gia đứng giữa hai siêu cường giờ phải tìm cách làm hài lòng cả hai. Ngày 14/5, giới chức Trung Quốc đã chỉ trích thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ, cho rằng thỏa thuận này gián tiếp nhằm vào Trung Quốc. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Anh được miễn thuế với thép xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đổi lại Washington có quyền can thiệp vào việc ai sở hữu các nhà máy thép tại Anh. Một số điều khoản khác liên quan đến “an ninh quốc gia” trong thỏa thuận này cũng khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Và những phản ứng kiểu này sẽ còn tiếp diễn. Nhật Bản từng lo ngại rằng các yêu cầu của Mỹ liên quan đến hàng hóa chiến lược có thể khiến Trung Quốc phật ý. Một quan chức cho biết, trong mọi cuộc đàm phán, phía Mỹ đều đặt ra câu hỏi: “Quốc gia các ông đang làm gì, và có thể làm gì, liên quan đến Trung Quốc?”
Yếu tố thứ ba là những điểm nghẽn bất ngờ. Giữa các quốc gia có quan hệ thương mại lên tới hàng trăm nghìn mặt hàng mỗi năm, việc nảy sinh những bất đồng cụ thể là điều khó tránh. Các quan chức Anh từng phàn nàn với phía Mỹ về chất lượng thịt bò nhập khẩu từ nước này. Ngược lại, các quan chức Mỹ yêu cầu giới chính trị gia Nhật Bản mở cửa thị trường gạo – một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị – đồng thời đưa ra những cáo buộc chưa có bằng chứng về việc Thái Lan thao túng tiền tệ.
Đôi khi, các tranh cãi lại không liên quan đến thương mại. Ngày 1/5, Thái Lan đã hủy cáo buộc chống lại Paul Chambers – một học giả người Mỹ bị bỏ tù vì tội khi quân – trong một động thái mà giới chức Thái khẳng định là “không liên quan gì đến đàm phán thương mại”. Những vướng mắc dạng này thường mất nhiều năm để xử lý qua kênh ngoại giao, nhưng ông Trump không có nhiều thời gian – và điều đó có thể khiến các cuộc đàm phán chệch hướng.
Mỹ khó có khả năng hoàn thành tham vọng ban đầu là ký 90 thỏa thuận thương mại trước ngày 8/7. Dù vậy, nhiều thỏa thuận khác vẫn sẽ được ký kết trước thời hạn này, và đàm phán với nhiều nước sẽ còn tiếp tục sau đó, trong khi các quan chức các nước hy vọng Mỹ sẽ gia hạn thời gian tạm hoãn áp thuế để tránh đứt gãy quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Josh Lipsky từ Viện nghiên cứu Atlantic Council, ông Trump cũng cần chứng minh rằng các lời đe dọa của mình là có sức nặng nhằm ép buộc các nước nhượng bộ: “Sẽ có một vài quốc gia bị đem ra làm ví dụ”. Và, đối với phần lớn các quốc gia, mục tiêu lúc này không hẳn là được lên đầu danh sách mà là làm sao để không bị rơi xuống cuối hàng.
Tham khảo The Economist
Hoàng Yến - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận