Robot hình người đang được Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với mục tiêu phổ cập đến từng hộ gia đình.
Có thể chơi xúc xắc, rót trà, rửa bát, những robot hình người do Trung Quốc phát triển đang dần rời khỏi nhà máy để bước vào đời sống thường nhật, mở ra viễn cảnh mỗi gia đình sở hữu một người máy "quản gia".
![]() |
Robot hình người đang được Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với mục tiêu phổ cập đến từng hộ gia đình. Ảnh minh hoạ |
Tại một hội nghị công nghệ ở Thâm Quyến, chiếc robot AlphaBot 2 gây ấn tượng khi hiểu được lời mời "chơi xúc xắc" và ngay lập tức thao tác, nhấn nút máy lăn xúc xắc, chờ kết quả, rồi giơ ngón tay cái nếu người đối diện thắng. Những hành động tưởng đơn giản đó là kết quả của hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp, một dạng AI có khả năng tương tác và học hỏi từ môi trường thực tế.
"Trước đây, chúng ta phải lập trình từng bước cho robot. Giờ đây, chỉ cần ra lệnh, robot có thể tự hiểu và phản ứng", ông Yandong Guo, Giám đốc điều hành AI² Robotics, chia sẻ với CNN. Theo ông, chỉ cần 5 đến 10 mẫu là robot đã có thể học được cách thực hiện một hành động mới.
Dù chatbot như ChatGPT đã trở nên phổ biến, nhiều chuyên gia công nghệ tin rằng AI tích hợp mới là bước tiến quan trọng tiếp theo. Không chỉ các công ty tại Trung Quốc, những ông lớn như Tesla hay Figure AI tại Mỹ cũng đang phát triển robot hình người, với sự hậu thuẫn từ Microsoft và Nvidia.
Tại Trung Quốc, lĩnh vực này được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo, trường đào tạo robot và các khoản đầu tư chiến lược. Riêng Thâm Quyến đã có hơn 200 doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua chế tạo robot.
Hiện robot vẫn được sử dụng chủ yếu trong môi trường công nghiệp, ví dụ như bốc dỡ vật liệu, kéo xe, dán nhãn kính chắn gió tại các nhà máy ô tô. Tuy nhiên, các nhà phát triển kỳ vọng rằng robot AI tích hợp sẽ sớm đảm nhiệm được những công việc phức tạp hơn trong không gian sống con người.
![]() |
Robot dân dụng hiện vẫn có giá khá cao. Ảnh: Sven Hoppe |
AlphaBot 2 hiện đã có khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ sinh học và dịch vụ công. Nhưng CEO Guo hy vọng robot sẽ sớm có mặt trong các hộ gia đình. Ông chia sẻ: "Tôi muốn robot có thể pha trà, biết túi trà ở đâu, nước nóng ở đâu, và rót đúng cách. Sau bữa ăn, nó có thể rửa bát".
Tuy nhiên, hiện chưa nhiều mẫu robot có thể thực sự hỗ trợ việc nhà. Công ty UBTech Robotics dự kiến tung ra một mẫu robot đồng hành trị giá 20.000 USD trong năm nay, nhưng họ cũng thừa nhận công nghệ vẫn còn cách xa khả năng giúp việc hay chăm sóc người già.
Một trong những rào cản lớn là thiếu dữ liệu huấn luyện phản ánh đầy đủ sự phức tạp của môi trường sống con người. Dù vậy, Morgan Stanley dự báo đến năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 80 triệu robot hình người trong các hộ gia đình.
Robot dân dụng hiện vẫn có giá khá cao. AlphaBot 2 không có mức giá cố định vì được thiết kế theo yêu cầu từng khách hàng. Một số công ty tại Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp robot dưới mức giá 15.000 USD. AI² kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, giá một robot có thể tương đương một chiếc ô tô phổ thông, phù hợp với ngân sách của các gia đình trung lưu.
Giá thành chưa phải là rào cản duy nhất. Vấn đề an toàn và quyền riêng tư cũng được đặt ra khi robot tích hợp camera, micro và cảm biến, có thể vô tình ghi lại dữ liệu nhạy cảm. Thêm vào đó, nguy cơ robot ngã đè gây thương tích, nhất là trong không gian nhỏ hẹp, cũng khiến người dùng do dự.
"Chúng tôi hiểu người tiêu dùng vẫn còn e ngại. Nhưng chúng tôi đã đưa ra các giải pháp bảo mật và an toàn ngay từ khâu phát triển", ông Guo nói, đồng thời tiết lộ rằng nhiều người Trung Quốc đã sẵn sàng chi tiền mua robot.
AI² cho biết, trong quý III năm 2025, robot của hãng sẽ bắt đầu được triển khai tại các sân bay lớn ở Trung Quốc, hỗ trợ sắp xếp xe đẩy hành lý. Trong vòng ba đến năm năm tới, chúng có thể xuất hiện trong các trung tâm dưỡng lão để chăm sóc người cao tuổi.
"Robot sẽ học trong suốt quá trình vận hành. Chúng tôi cần càng nhiều dữ liệu càng tốt để robot hiểu và ứng xử đúng đắn", Guo nhấn mạnh. "Ước mơ của chúng tôi là mỗi gia đình đều có một robot".
Nguồn: CNN
Ái Hân - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận