Vĩ mô

TS. Trương Thị Chí Bình: Nhiều doanh nghiệp FDI từng tính chuyển sản xuất sang Mexico, nhưng nay đã quay lại Việt Nam

Dù đối mặt nhiều biến động thuế quan toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là “bến đỗ” ổn định cho dòng vốn FDI, đặc biệt trong ngành chế tạo.

Chia sẻ tại diễn đàn M-TALKS 2025 với chủ đề “Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí – chế tạo Việt Nam”, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, Việt Nam tiếp tục giữ được sức hút với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ chuỗi cung ứng ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về địa chính trị và thuế quan.

“Một số doanh nghiệp FDI từng tính chuyển sản xuất sang Mexico, nhưng nay đã quay lại Việt Nam, vì họ cần một chuỗi cung ứng bền vững. Chính trị Mỹ có thể thay đổi như trở bàn tay, nhưng chuỗi cung ứng thì không thể thay ngay được. Trong khu vực, Việt Nam vẫn là điểm đến ổn định và được đánh giá cao”, bà Bình khẳng định.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong nửa đầu năm 2025, dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến – chế tạo đạt gần 12 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2024. Ngành này tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số dự án mới (38,2%) và lượt điều chỉnh vốn (56,5%), cho thấy đây vẫn là lĩnh vực trụ cột thu hút FDI tại Việt Nam.

Cùng với đó, theo khảo sát từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo trong quý II/2025 đã cải thiện so với đầu năm, với 78,4% doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng giữ nguyên hoặc tăng. Dự báo cho quý III cũng lạc quan khi có tới 81,8% doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu giữ ổn định hoặc tăng.

Dù vậy, theo TS. Trương Thị Chí Bình, ngành chế tạo Việt Nam hiện vẫn đối mặt những hạn chế cố hữu. Báo cáo của UNIDO cho thấy giá trị gia tăng ngành chế tạo trong GDP của Việt Nam đã tiệm cận Trung Quốc, ở mức 26,3% so với 28,6%, song phần lớn doanh nghiệp nội vẫn mới dừng ở mức gia công đơn lẻ, chưa đạt chuẩn OEM (sản xuất thiết bị gốc) đúng nghĩa.

“Chúng ta thường nói mình đang làm OEM, nhưng thực chất phần lớn doanh nghiệp chỉ gia công linh kiện rời. Rất ít đơn vị đủ năng lực làm cụm linh kiện, càng hiếm hơn là thiết kế sản phẩm (ODM) hay phát triển thương hiệu gốc (OBM)”, bà Bình nêu thẳng thắn.

Lấy ví dụ ngành ô tô, bà cho biết dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp linh kiện cho các hãng lớn, nhưng chủ yếu vẫn là gia công chi tiết. Tương tự ở lĩnh vực điện tử, việc được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là rất khó khăn, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật và quản trị cao.

TS. Trương Thị Chí Bình: Nhiều doanh nghiệp FDI từng tính chuyển sản xuất sang Mexico, nhưng nay đã quay lại Việt Nam
Từ phải qua, ông Trần Bình Minh, ông Hồ Ngọc Toàn và bà Trương Thị Chí Bình (áo đen) tại phiên thảo luận của M-TALKS 2025 ngày 24/7. Ảnh: Metalex Vietnam 2025

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc để thích ứng với căng thẳng thương mại và biến động thuế quan, Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến chiến lược. TS. Bình cho biết, bà từng đón một đoàn doanh nghiệp Mỹ sang khảo sát hồi tháng 5, với kế hoạch chuyển 30% sản lượng về Việt Nam nếu tìm được nhà cung ứng đạt chuẩn.

Để tận dụng được làn sóng FDI mới và thực sự bước vào phân khúc giá trị cao trong ngành chế tạo, các chuyên gia khuyến nghị cần chính sách hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp Việt phát triển năng lực sản xuất cụm linh kiện, tiếp cận công nghệ lõi và mở rộng quan hệ với các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, cải cách thể chế, thúc đẩy logistics, tiêu chuẩn xanh và quản trị ESG cũng là yếu tố sống còn để không bị tụt lại phía sau trong dòng chảy chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Nguyên Mộc - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư