Kinh tế thế giới

Từ chối Nhật - Pháp, láng giềng Việt Nam chọn công nghệ Đức cho dự án tàu cao tốc nhanh nhất thế giới trị giá gần 35.000 tỷ đồng

Với tham vọng xây dựng một biểu tượng công nghệ cho tương lai, Trung Quốc đã hướng đến hợp tác với Đức – quốc gia duy nhất thời điểm đó sở hữu công nghệ tàu đệm từ hoàn thiện.

Năm 1998, Trung Quốc chính thức lên kế hoạch xây dựng tuyến tàu đệm từ đầu tiên tại Thượng Hải. Đây là thời điểm mà công nghệ tàu đệm từ của Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, còn các quốc gia như Pháp – nổi tiếng với TGV – vẫn chưa phổ biến hệ thống maglev (đệm từ).

Công nghệ Transrapid, phát triển bởi Đức từ năm 1969, là hệ thống tàu một ray sử dụng lực đẩy từ trường để vận hành mà không cần tiếp xúc vật lý với đường ray. Điều này giúp tàu loại bỏ hoàn toàn ma sát, đạt vận tốc vượt ngưỡng 500 km/h trong một số thử nghiệm.

Sau nhiều thập kỷ phát triển và thử nghiệm tại Trung tâm Emsland, năm 1991, các chuyên gia Đức khẳng định hệ thống Transrapid đã sẵn sàng để thương mại hóa.

Từ chối Nhật - Pháp, láng giềng Việt Nam chọn công nghệ Đức cho dự án tàu cao tốc nhanh nhất thế giới trị giá gần 35.000 tỷ đồng - ảnh 1
Trung Quốc ra mắt tàu đệm từ có tốc độ 501 km/h

Trung Quốc nhanh chóng tiếp cận công nghệ này, và đến tháng 3/2001, dự án tuyến tàu đệm từ Thượng Hải chính thức khởi công. Tuyến đường dài 30,5km kết nối trung tâm thành phố với Sân bay Quốc tế Phố Đông, do liên danh Transrapid International (Siemens và ThyssenKrupp) hợp tác phát triển. Dự án được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2004, với tổng mức đầu tư khoảng 1,33 tỷ USD (khoảng 34.700 tỷ đồng).

Tàu đệm từ Thượng Hải hiện là tuyến tàu thương mại nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ tối đa 431 km/h và hoàn tất hành trình chỉ trong 8 phút. Trong điều kiện vận hành tiêu chuẩn, tàu có thể tăng tốc lên 350 km/h chỉ trong vòng 2 phút. Đặc biệt, một cuộc thử nghiệm đã ghi nhận tốc độ kỷ lục 501 km/h – lập nên cột mốc đáng nhớ của công nghệ Transrapid.

Điểm nổi bật của công nghệ này không chỉ nằm ở tốc độ, mà còn ở chi phí vận hành. Nhờ không có tiếp xúc vật lý, mức độ hao mòn thiết bị rất thấp, kéo theo chi phí bảo trì và vận hành tiết kiệm hơn đáng kể so với tàu cao tốc truyền thống. Hệ thống đẩy bằng từ trường cũng tiêu thụ ít năng lượng hơn ở tốc độ cao, giúp nâng cao hiệu quả tổng thể.

Một trong những điểm đáng chú ý là phần lớn hệ thống phụ của tuyến tàu đệm từ được lắp đặt tại Thượng Hải bởi kỹ sư Trung Quốc, dưới sự giám sát kỹ thuật của phía Đức. Riêng phần đường ray – từ dầm, nền móng đến kết cấu phụ – hoàn toàn do Trung Quốc tự thiết kế và thi công, thể hiện năng lực nội địa hóa nhanh chóng.

Hệ thống vận hành của tàu được trang bị hàng loạt cảm biến theo dõi vị trí, tốc độ, khoảng cách... nhằm duy trì độ cao lơ lửng ổn định khoảng 1cm so với mặt ray. Dữ liệu điều khiển được truyền qua mạng 3G (đang dần chuyển sang 5G tiêu chuẩn FRMCS), kết nối với hệ thống GPS, màn hình hành khách và trung tâm điều khiển thông qua mạng nội bộ tốc độ cao.

Trung tâm điều hành khai thác tại Thượng Hải sử dụng nền tảng “Digital Station Solutions” từ Đức – một giải pháp điều phối tự động và trực quan hóa dữ liệu phục vụ giám sát, bảo trì và quản lý lưu lượng hành khách.

Từ một tham vọng biểu tượng, tàu đệm từ Thượng Hải đã trở thành hình mẫu cho tương lai giao thông hiện đại: tốc độ vượt trội, chi phí tối ưu, công nghệ chính xác – là minh chứng rõ nét cho sự hội tụ giữa công nghệ Đức và tầm nhìn công nghiệp của Trung Quốc.

Thanh Lê - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính