Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, hòn đảo lớn nhất Việt Nam chính thức trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh, "gánh" thêm vai trò và trọng trách mới.
Cùng với đặc khu Thổ Châu và Kiên Hải, Phú Quốc là đặc khu thứ 3 trực thuộc tỉnh An Giang sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Căn cứ theo Nghị quyết số 1654/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 "Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang năm 2025", đặc khu Phú Quốc có tổng diện tích hơn 589km2, gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 phường gồm Dương Đông và An Thới cùng 6 xã như Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn của TP. Phú Quốc cũ.
Trước đó, trong cuộc họp vào ngày 4/6 cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Thường trực Tỉnh ủy An Giang về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Chiến lược phát triển Phú Quốc cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, các chính sách đặc thù, mô hình quản lý đặc khu cho phù hợp với đặc thù kinh tế biển, du lịch, dịch vụ đổi mới sáng tạo, góp phần định hình Phú Quốc trở thành trung tâm sinh thái, nghỉ dưỡng, tài chính, sáng tạo quốc tế trong giai đoạn phát triển mới".
Từ nay, đây là địa phương có nhiều đặc khu hành chính nhất cả nước

Với vai trò là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đặc khu Phú Quốc giữ vai trò chiến lược trên nhiều lĩnh vực khi là trung tâm kinh tế biển, đầu tàu phát triển về du lịch, là một trong những điểm hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, cửa ngõ giao thương quan trọng của ĐBSCL.
Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ: Hội tụ sân bay quốc tế, cảng biển cùng mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, Phú Quốc được xem là điểm kết nối then chốt giữa Việt Nam và ASEAN cũng như các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, việc xóa bỏ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đồng nghĩa với việc đưa Phú Quốc trở thành "đặc khu" sẽ giúp địa phương có cơ hội được áp dụng các cơ chế, chính sách đột phá về đầu tư, tài chính cũng như hành chính.
Trên cơ sở đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, toàn diện.
Chính quyền đặc khu cũng sẽ được trao trọng trách cao hơn, quyền tự chủ cao hơn trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, an sinh xã hội.

Sau khi lên đặc khu, tỉnh An Giang định hướng Phú Quốc sẽ là trung tâm kinh tế biển, đô thị thông minh và du lịch sinh thái bền vững; là thỏi nam châm hút đầu tư và hội nhập quốc tế, đảm bảo môi trường sinh thái và văn hóa bản địa trong quá trình phát triển.
Theo ghi nhận của Tạp chí Kinh tế Chứng khoán, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2025, Phú Quốc ước đón gần 4,5 triệu lượt khách (tăng 33,3% so với cùng kỳ, đạt 61,1% kế hoạch năm).
Riêng khách quốc tế ước đón gần 900.000 lượt khách (tăng 76,7% so với cùng kỳ) và tổng thu đạt khoảng 21.588 tỷ đồng (tăng 92,6% so với cùng kỳ).
Vài năm trở lại đây, Phú Quốc đã dần "thay da đổi thịt" khi được xem là vùng trũng hút đầu tư với hơn 300 dự án hội tụ.

Sự góp mặt của loạt "đại bàng" như VinGroup, Sun Group hay BIM Group đã kiến tạo nên hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, trải khắp các hòn đảo...
Việc trở thành đặc khu không chỉ là một dấu mốc hành chính mà còn là cú hích mạnh mẽ để Phú Quốc bứt phá, khai thác trọn vẹn tiềm năng kinh tế biển, đẩy mạnh hội nhập, thu hút dòng vốn chất lượng cao, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Với những nền tảng vững chắc đã được thiết lập cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn, Phú Quốc đang hội tụ đầy đủ điều kiện để khẳng định vị thế của mình như một "viên ngọc sáng" của Việt Nam trên bản đồ kinh tế và du lịch toàn cầu.
Từ lâu, Phú Quốc được biết đến như hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Tổng diện tích tự nhiên của đặc khu Phú Quốc khoảng 589,23km2.
Đảo sở hữu địa hình đa dạng, hội tụ những cánh rừng nguyên sinh, dãy núi uốn lượn và những bãi biển trải dài tuyệt đẹp. Nhờ vẻ đẹp hoang sơ cùng tiềm năng kinh tế vượt trội, Phú Quốc được mệnh danh là "đảo ngọc" của Việt Nam. Nơi đây không chỉ nổi bật về du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ mà còn là trung tâm của nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản và giao thương quốc tế.
Sau sáp nhập hành chính năm 2025, Phú Quốc chính thức trở thành một đặc khu thuộc tỉnh An Giang, song vẫn giữ nguyên vị thế của hòn đảo lớn nhất nước và ngày càng khẳng định tầm vóc trên bản đồ kinh tế - du lịch khu vực.
Hải Đăng - nguoiquansat.vn
Theo reatimes.vn
Bình luận
0 Bình luận