Với việc âm vốn chủ sở hữu theo BCTC đã kiểm toán năm 2011, án hủy niêm yết đối với AGC chỉ còn là vấn đề thời gian. Ở bài viết này, tôi xin đề cập đến những giả định về tương lai của AGC để nhà đầu tư có thêm thông tin và quyết định liên quan đến vấn đề này.
Tồn tại?
Tồn tại có dễ đối với AGC? Tại báo cáo kiểm toán, Đơn vị kiểm toán IFC đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Nguyên nhân bởi công nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã bị âm hơn 50 tỷ đồng cuối năm 2011 và âm gần 64 tỷ đồng cuối quý I/2012.

Không có nguồn thu trong bối cảnh công nợ cao, tiền mặt không có khiến AGC chi sống ‘’cầm hơi’’. Điều này cũng thể hiện rõ nét ở khoản mục Chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ còn chưa đầy 450 triệu đồng trong khi cùng kỳ hơn 2,45 tỷ đồng.

Ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể cấp thêm vốn? Với tình hình tài chính hiện tại, việc ngân hàng cho vay thêm là điều khó xảy ra. Có chăng, AGC chỉ trông đợi ngân hàng giãn nợ để cải thiện chỉ số thanh toán hiện thời và chờ phao cứu sinh.
Cổ đông lớn có thể cứu? Cổ đông lớn nhất và là công ty mẹ hiện tại của AGC là CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV). THV nắm giữ 52,4% vốn của AGC. Tuy nhiên, THV cũng đang đau đầu với việc thua lỗ triền miên, lỗ lũy kế đến hết quý I/2012 lên đến 320 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn 1.418 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn 1.873 tỷ đồng cũng khiến hệ số thanh toán nhanh của THV rơi vào diện cảnh báo. THV khó lòng cứu được ‘’con’’ AGC.
Phá sản?
Theo luật định, Doanh
nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu
cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Dấu hiệu ‘’chết lâm sàng’’ của AGC
đã rõ.
Xét cơ cấu
nợ của AGC, các khoản được ưu tiên trả trước của AGC chiếm tỷ trọng không lớn.
Dư nợ của AGC chủ yếu là vay nợ ngân hàng hơn 253 tỷ đồng và trái phiếu chuyển
đổi 100 tỷ đồng. Lượng trái phiếu này được công ty phát hành ngày 13/10/2010 kỳ
hạn 12 tháng cho 10 cá nhân. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:6 và được điều
chỉnh theo quy định của điều khoản chống pha loãng. Tại thời điểm chuyển đổi, nếu
trái chủ quyết định chuyển đổi thì trái tức là 0%/năm cho các
trái phiếu được chuyển đổi. Trong trường hợp trái chủ không chuyển đổi thì trái
tức 10%/năm, thanh toán khi trái phiếu đáo hạn. Theo điều khoản này, đáng lẽ,
trái phiếu AGC đáo hạn từ 13/10/2011 nhưng cho đến hết quý I/2012 công ty vẫn
theo dõi khoản trái phiếu này. Trên HNX không có thông tin liên quan đến xử lý
trái phiếu sau khi đáo hạn.
Nếu chủ nợ đồng loạt
đòi nợ đến hạn của AGC? Tài sản ngắn hạn của AGC- theo
thông tin trên- là không đủ để trả nợ ngắn hạn. Nếu chủ nợ yêu cầu thì khả năng
huy động nguồn để trả nợ của AGC là rất thấp. Nếu chủ nợ yêu cầu AGC phá sản thì chuyện ''được sống'' của AGC trong trường hợp này là thấp. Tuy nhiên, nếu AGC phá sản, việc ngân hàng, chủ nợ không thu hồi/ không thu hồi hết
được vốn là điều tất yếu. Vậy, áp lực bị chủ nợ yêu cầu phá sản là thấp.
Nếu chủ sở hữu AGC xin phá sản? Theo luật định, tài sản còn lại nếu doanh nghiệp xin
phá sản sẽ được ưu tiên trước để chi trả phí phá sản rồi các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ khác rồi mới đến Các khoản nợ cho các chủ nợ.
Chủ sở hữu của AGC là ai? Cổ đông lớn và cũng là công ty mẹ của AGC là THV. Theo nguyên tắc hợp nhất báo cáo tài chính mà THV đang sử dụng, báo cáo của công ty mẹ và các công ty con sẽ được hợp nhất theo từng khoản mục tương đương của tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác và chi phí. Với chỉ số tài chính hiện thời của AGC, BCTC hợp nhất của THV cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nguồn vốn chủ sở hữu bị giảm mạnh so với báo cáo của riêng công ty mẹ trong khi nợ tăng lên. Nếu AGC phá sản, khi hợp nhất BCTC, chỉ số tài chính của THV cũng sẽ ''đẹp'' hơn. THV, với tư cách là cổ đông lớn, chủ sở hữu của AGC có đệ đơn xin phá sản cho AGC hay không còn là câu hỏi ngỏ.
Hải An
Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận
0 Bình luận