Tính tới ngày 30/9/2023, số thuế mà Vietbank phải đóng cho ngân sách nhà nước là 14,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó Vietbank có lợi nhuận tăng trưởng âm và tỷ lệ nợ xấu đứng thứ 3 các ngân hàng niêm yết.
Nợ xấu tăng tốc
Ngân hàng Vietbank (VBB) được sáng lập bởi nhóm cổ đông có liên quan đến ngân hàng Á Châu, tập đoàn Hoa Lâm và công ty Diệu Hiền. Trong đó, ông Dương Ngọc Hòa (chồng bà Trần Thị Lâm – chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm) và ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) là 2 trong những người sáng lập.
Kể từ khi ông Dương Nhất Nguyên giữ ghế Chủ tịch HĐQT Vietbank, ngân hàng này có nợ xấu tăng siêu tốc
Khi ông Hòa thoái vị đầu năm 2021, chức Chủ tịch HĐQT Vietbank được một thành viên HĐQT Vietbank đảm nhiệm. Tuy nhiên chỉ hai tháng sau, “ghế” chủ tịch này lại được con trai ông Dương Ngọc Hòa là Dương Nhất Nguyên thế chỗ. Có thể nói, ông Nguyên giữ chức Chủ tịch Vietbank khi mà tình hình kinh tế trong nước đang khốn khó.
Có lẽ do kinh tế khó khăn mà Vietbank mới bộc lộ “tình hình sức khỏe” có đôi chút bất ổn hơn một số ngân hàng khác. Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2023, số liệu Vietbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế tăng trưởng âm ở mức 333 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Số thuế mà Vietbank phải đóng cho ngân sách nhà nước là 14,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu của Vietbank ở mức 2.890 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022. Tính đến 30/9/2023, Vietbank cho vay khách hàng đạt 70.490 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng của Vietbank ở mức 4,1% và tỷ lệ này góp phần đưa Vietbank vào vị trí thứ 3 trong số các ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng cao nhất.
Kể từ khi ông Dương Nhất Nguyên ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Vietbank thì ngân hàng này tăng tốc về tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng. Cụ thể, năm 2019 tỷ lệ này là 1,32% (nợ xấu 539 tỷ), năm 2020 là 1,77% (784 tỷ), năm 2021 tỷ lệ này tăng vọt lên 3,72% (1.845 tỷ), năm 2022 là 3,69% (2.324 tỷ). Đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh theo các năm.
Tại ngày 30/9/2023, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn chiếm 2,69% so với tổng dư nợ tín dụng và chiếm 66% so với tổng nợ xấu.
Về lợi nhuận hoạt động của Vietbank, cuối năm 2021 lợi nhuận sau thuế của đơn vị này có phần khởi sắc khi tăng tốc thần kỳ với lợi nhuận sau thuế là 506 tỷ đồng. Qua năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vietbank tăng nhẹ nhờ giảm trích lập dự phòng. Khoản lợi nhuận này sụt giảm thê thảm vào cuối quý 3/2023. Trong khi đó, nợ xấu tại Vietbank lại không ngừng tăng cao.
Số lượng cổ phiếu mà người có liên quan chủ tịch Vietbank Dương Nhất Nguyên nắm giữ
Mới đây, ông Dương Nhất Nguyên vừa đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu Vietbank để nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 3,36% lên 4,83% cổ phần Vietbank. Những người trong gia đình ông Nguyên nắm giữ cổ phần ở Vietbank lần lượt là: Bà Trần Thị Lâm (mẹ ông Nguyên) nắm giữ 0,024% vốn điều lệ Vietbank; ông Dương Ngọc Hòa (cha ông Nguyên) nắm giữ 4,552%; Dương Bảo Anh (em ruột ông Nguyên) nắm giữ 1,701%; Dương Mai Anh (em ruột ông Nguyên) nắm giữ 2,108%. Đáng chú ý, bà Trần Thị Lâm còn giữ chức Phó tổng giám đốc Vietbank từ ngày 19/5/2023.
Phi vụ mua bán bất thành
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ngày 26/4/2023 của Vietbank có các cổ đông lớn là: Công ty CP Tài Việt, Công ty CP Đầu tư phát triển Hoa Lâm, Công ty CP xây dựng Halim, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư An Phát, Công ty TNHH BĐS Nguyên Khang, bà Nguyễn Thị Kim Phượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH BĐS Nhất Khang đơn vị sở hữu 99% cổ phần công ty TNHH TM – DV Chợ Đũi, 1% trước đây thuộc tập đoàn Hoa Lâm nhưng đã được chuyển cho công ty TNHH Lương Thạch. Công ty Chợ Đũi là chủ đầu tư tòa nhà Lim II mà Vietbank mua năm 2020. Việc chuyển nhượng cổ phần nội bộ Chợ Đũi không rõ được thực hiện sau đó ra sao.
Số lượng cổ phiếu mà người có liên quan chủ tịch Vietbank Dương Nhất Nguyên nắm giữ
Tuy nhiên, Vietbank mua Lim II thì hợp đồng được ký với công ty Lương Thạch. Cụ thể, mua một phần với giá dự kiến 1.340 tỷvà Vietbank đã chuyển cho công ty Lương Thạch 1.100 tỷ đồng. Phần còn lại của tòa nhà Lim II sẽ được Vietbank sẽ thỏa thuận tiếp tối đa 3 năm kể từ khi Vietbank mở rộng quy mô hoạt động. Phần còn lại này Vietbank đồng ý ký hứa mua hứa bán với giá 944 tỷ đồng và cọc 708 tỷ đồng theo đề nghị của công ty Lương Thạch.
Tuy nhiên, ngày 26/12/2022, công ty Lương Thạch thông báo không bán cho Vietbank dự án trên nữa, đề nghị chuyển trả lại 1.808 tỷ đồng đã nhận của Vietbank và được Vietbank đồng ý. Ngày 4/1/2023, Vietbank đã nhận đủ số tiền Lương Thạch chuyển trả.
Hoàng Minh
Theo Tài chính doanh nghiệp
Bình luận
0 Bình luận