Thông tin tại Hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - mã VGT) cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh không thuận lợi bởi tổng cầu hàng dệt may thế giới suy giảm, hết 9 tháng 2023, doanh thu của Tập đoàn đạt 71%, lợi nhuận mới đạt 40% so với kế hoạch.
Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn kéo dài do các doanh nghiệp bị tác động bởi các nhân tố: Tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng; Mỹ liên tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao; châu Âu nhiều bất ổn, đứng trên bờ vực suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng.
Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2, lãi suất VND ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ…
"Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023", Tổng giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu nêu.
Tuy nhiên, thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn cho thấy, quý IV/2023, ngành dệt, nhuộm dự báo không có nhiều thay đổi so với 9 tháng đầu năm; với ngành may, đa số các đơn vị vẫn non tải trong quý 4/2023 nhưng có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi.
Theo Doanh nghiệp công bố
Bình luận
0 Bình luận