Bất động sản

Sếp VinSpeed nói gì trước hoài nghi Vingroup 'gom đất vàng' để phát triển BĐS mới là động cơ thực sự khi tham gia vào đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Lãnh đạo VinSpeed khẳng định nếu chỉ vì động cơ "gom đất vàng" thì không ai chọn dấn thân vào dự án "chắc chắn lỗ" thế này, đồng thời cho biết đây là giải pháp để có thêm một phần nguồn thu, góp phần trả nợ cho Nhà nước.

VinSpeed hiện đang được biết đến là một đơn vị thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup (VIC), nổi lên như một trong những doanh nghiệp nội địa đầu tiên mạnh dạn đề xuất tham gia vào Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là siêu dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, được kỳ vọng trở thành cú hích cho nền kinh tế và ngành logistics Việt Nam.

Tuy nhiên, đề xuất phát triển các khu đô thị quanh nhà ga mà VinSpeed đưa ra đã vấp phải không ít hoài nghi, đặc biệt là về động cơ "gom đất vàng".

Sếp VinSpeed nói gì trước ý kiến cho rằng Vingroup 'gom đất vàng' để phát triển BĐS mới là động cơ thực sự của việc tham gia dự án Đường sắt cao tốc B
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, bà Đào Thụy Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã có trao đổi thẳng thắn về những hoài nghi này.

"Thứ nhất, nếu chỉ vì động cơ gom đất vàng thì không ai chọn dấn thân vào dự án chắc chắn lỗ thế này trong khi hai nơi có giá trị và tiềm năng cao nhất là Hà Nội và TP. HCM đều không còn dư địa để làm dự án bất động sản quanh nhà ga nữa. Các nơi còn lại đều nằm ở vùng ven, xa trung tâm tỉnh thành, hoàn toàn không phải đất vàng, thậm chí là đất ruộng, ít giá trị, giống như đi khai hoang phát triển. Thậm chí, vài năm trước, nhiều địa phương dọc tuyến từng mời gọi Vingroup đầu tư vào trung tâm tỉnh nhưng Vingroup không vào.

Sếp VinSpeed nói gì trước ý kiến cho rằng Vingroup 'gom đất vàng' để phát triển BĐS mới là động cơ thực sự của việc tham gia dự án Đường sắt cao tốc B
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình giao thông thế kỷ, sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa

Thứ hai, việc VinSpeed đề xuất đầu tư các khu đô thị quanh nhà ga đường sắt cao tốc đơn giản vì đó là giải pháp để có thêm một phần nguồn thu, góp phần trả nợ cho Nhà nước nhưng vẫn phải trả chi phí sử dụng đất đầy đủ và sòng phẳng như mọi nhà đầu tư khác, chứ không có chuyện sử dụng miễn phí", bà Vân khẳng định trên báo Thanh Niên.

Theo tài liệu đề xuất của VinSpeed, doanh nghiệp này không xin hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, mà cam kết đứng ra vay vốn quốc tế, với tổng quy mô gần 50 tỷ USD cho các hạng mục liên quan đến đường sắt tốc độ cao.

Mô hình phát triển khu đô thị quanh nhà ga được VinSpeed tham chiếu từ các quốc gia có hệ thống đường sắt phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi mà khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường sắt trở thành nguồn thu quan trọng để hoàn vốn và vận hành hệ thống hiệu quả.

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy: "Nếu doanh nghiệp tư nhân dám đứng ra gánh nợ, chịu trách nhiệm tài chính rõ ràng, trả tiền sử dụng đất công khai, minh bạch thì việc họ đầu tư phát triển các khu đô thị quanh nhà ga là hợp lý. Vấn đề không phải là 'gom đất' mà là khai thác hợp lý hạ tầng, tạo động lực phát triển cho cả vùng".

Sếp VinSpeed nói gì trước ý kiến cho rằng Vingroup 'gom đất vàng' để phát triển BĐS mới là động cơ thực sự của việc tham gia dự án Đường sắt cao tốc B
Lãnh đạo VinSpeed khẳng định nếu chỉ vì động cơ "gom đất vàng" thì không ai chọn dấn thân vào dự án "chắc chắn lỗ" này. Ảnh minh họa

Trên thực tế, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chủ yếu đi qua các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa thấp, quỹ đất nông nghiệp lớn và chưa phát huy hết tiềm năng. Việc kết hợp phát triển đô thị quanh các nhà ga được kỳ vọng sẽ mở ra chuỗi giá trị mới cho các địa phương, từ bất động sản công nghiệp, logistics đến dịch vụ du lịch, thương mại.

Với vai trò "người mở đường", VinSpeed không giấu tham vọng biến những vùng đất hiện hữu thành các cực tăng trưởng mới, gắn với sự dịch chuyển của dòng vốn và xu hướng đô thị vệ tinh đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia châu Á.

Dù vấp phải nhiều nghi ngại, không thể phủ nhận việc doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng lớn sẽ là liều thuốc thử cho năng lực tài chính, quản trị và tầm nhìn dài hạn. Bởi lẽ, với quy mô vốn vay gần 50 tỷ USD và thời hạn hoàn vốn dự kiến 35 năm, bài toán lợi nhuận ngắn hạn gần như bị gác lại, nhường chỗ cho những toan tính chiến lược ở tầm quốc gia.

Nếu thành công, VinSpeed sẽ không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành đường sắt Việt Nam, mà còn ghi dấu một cột mốc quan trọng cho năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng - lĩnh vực vốn trước đây chỉ quen với "bóng dáng" của đầu tư công.

Dự án này, rốt cuộc là "canh bạc" hay "cơ hội thế kỷ"? Câu trả lời sẽ đến không chỉ từ ý chí của doanh nghiệp mà còn từ sự minh bạch, công bằng trong cuộc chơi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD.

Toàn tuyến được đầu tư khổ đôi 1.435mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027.

Trước đó, ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed xác nhận đã đăng ký tham gia đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Doanh nghiệp đặt ra kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay, đồng thời đưa vào khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.

Dự án do VinSpeed đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, doanh nghiệp cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD); phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Doanh nghiệp khẳng định phương án này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế khi phần lớn các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới đều khó hoàn vốn hoặc phải bù lỗ dài hạn.

Hiện nay, VinSeed đang tiến hành làm việc với các đối tác từ Trung Quốc, Đức, Nhật Bản... nhằm chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu...

Song hành cùng với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ cũng như từng bước hình thành nền công nghiệp đường sắt cao tốc trong nước.

Nhằm hoàn trả phần vốn vay từ Nhà nước, VinSpeed dự kiến phát triển các khu đô thị hiện đại quanh nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes.

Những khu vực phụ cận nhà ga hiện thưa dân, xa trung tâm trong tương lai sẽ được đầu tư đồng bộ nhằm thúc đẩy hạ tầng, cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Thanh Sơn - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư