Tháp Bà Ponagar không chỉ mang giá trị lịch sử, nghệ thuật điêu khắc đặc sắc mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng Chăm - Việt.
Theo Báo Chính phủ, tối 10/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa".

Tháp Bà Ponagar được xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII đến XIII, là một quần thể kiến trúc Chăm độc đáo, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Năm 1979, di tích này được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tháp Bà Ponagar không chỉ mang giá trị lịch sử, nghệ thuật điêu khắc đặc sắc mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng Chăm - Việt.
Trước đó, vào năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội hay các chương trình văn hóa định kỳ như "Linh thiêng xứ Trầm", "Trăng soi dáng tháp"… mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm sâu sắc về truyền thống.

Tháp Bà Ponagar thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na - một vị thần trong tín ngưỡng và được tôn kính như thủy tổ của nghề trầm hương. Các thế hệ làm nghề trầm hương ở Khánh Hòa đều bày tỏ lòng tri ân đối với vị thần này. Chính nhờ tín ngưỡng này, nghề trầm hương tại Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, góp phần làm nên bản sắc của "xứ trầm hương".
Với những giá trị lịch sử và văn hóa nổi bật, Tháp Bà Ponagar đã chính thức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa" cũng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1651/QĐ-BVHTTDL ngày 3/6/2025 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Kể từ ngày 1/7, Khánh Hòa sáp nhập với Ninh Thuận thành tỉnh mới có tên Khánh Hòa, với tổng diện tích lên đến 8.555 km² và dân số khoảng 2,2 triệu người. Trung tâm hành chính của tỉnh mới này được đặt tại Nha Trang.
Sau khi sáp nhập, Khánh Hòa sở hữu 257 di sản văn hóa đã được xếp hạng. Theo Báo Khánh Hòa, năm 2017, nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa cùng với 8 tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar và lễ bỏ mả của đồng bào Raglai được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2014, Lễ hội cầu ngư được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2024, tri thức khai thác, chế biến yến sào Khánh Hòa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không chỉ nổi bật với các di sản vật thể, Khánh Hòa còn sở hữu kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú, phản ánh tri thức và những giá trị văn hóa sâu sắc của cộng đồng qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây chính là tài nguyên vô giá, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của vùng đất này.
Linh Chi - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận