Doanh nghiệp chưa niêm yết

Việt Nam đến gần mục tiêu 8 triệu khách quốc tế

Lũy kế 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người. Như vậy, ngành du lịch Việt Nam đã sắp đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế đã đề ra.

Theo Cục Du lịch Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1.217.421 lượt khách, tăng 17,2% so với tháng 7/2023. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tính chung 8 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt trên 7,8 triệu lượt, đạt 98% kế hoạch năm 2023.

Các thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Australia, Malaysia.

Một số thị trường có lượng khách tăng so với tháng 7/2023 là: Tây Ban Nha (tăng 156%), Italia (tăng 156%), Hà Lan (tăng 103%), Nhật (tăng 54%), Pháp (tăng 47%), Hàn Quốc (tăng 35%), Thái Lan (tăng 31%), Anh (tăng 28%), Đức (tăng 27%), Hồng Kông - Trung Quốc (tăng 25%).

Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 7/2023 là: Na Uy (giảm 62%), Đan Mạch (giảm 46%), Thụy Điển (giảm 44%), Phần Lan (giảm 23%), Mỹ (giảm 20%), Australia (giảm 17%), New Zealand (giảm 16%), Đài Loan - Trung Quốc (giảm 10%).

Lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng của năm 2023 ước đạt 482,4 nghìn tỷ đồng.https://cdn.stockproxx.com/2023/8/31/du-lich-viet-nam.jpeg

 

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường khách tăng đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực, với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP có hiệu lực từ 15/8/2023. Như vậy, tính chung 8 tháng qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phục hồi gần 70% so với thời điểm trước dịch và đã đạt 98% kế hoạch so với mục tiêu đề ra cả năm là đón 8 triệu lượt khách quốc tế.

Những thay đổi trong chính sách visa nói trên của Việt Nam đã tạo điều kiện tăng trưởng lượng khách quốc tế khi chuẩn bị vào tháng cao điểm đón khách du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, Cục Du lịch Quốc gia cũng cho rằng, chính sách thị thực được tháo gỡ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sức hút mạnh mẽ đối với những thị trường khách quốc tế thì phải có những giải pháp đồng bộ, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngành du lịch cần triển khai công tác xúc tiến quảng bá mạnh mẽ, bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chú trọng công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn, những chính sách tạo điều kiện cho khách khi đi du lịch Việt Nam. Đồng thời, cần đào tạo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từ đó tạo nên chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách; ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành du lịch.https://cdn.stockproxx.com/2023/8/31/du-lich-viet-nam-2jpeg.png

 

Cùng quan điểm này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, chính sách visa thông thoáng mới chỉ là "điều kiện cần, nhất là trong bối cảnh các quốc gia, điểm đến đều cạnh tranh hút khách quốc tế sau Covid-19". Muốn du lịch nước hấp dẫn hơn, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, tạo sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh.

Trong đó, các doanh nghiệp du lịch phải tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, thay đổi phương cách xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng một bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi vào các nhánh phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ, bắt kịp xu hướng thế giới.

MINH CHÂU 

https://diendandoanhnghiep.vn