Các cơ chế, chính sách tại Trung tâm Tài chính quốc tế đầu tiên tại Việt Nam sẽ có tính đột phá, vượt trội hơn so với một số trung tâm khác trên thế giới.
Với Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc đua hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế với hàng loạt cơ chế chính sách mang tính đột phá, cạnh tranh, thậm chí được đánh giá vượt trội hơn một số trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam với sự đồng thuận cao.
Theo Nghị quyết, hai địa phương được lựa chọn phát triển mô hình này là TP. HCM và TP. Đà Nẵng.

Theo báo Đầu Tư, Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ vận hành trên nguyên tắc thống nhất về quản lý, giám sát, định hướng phát triển sản phẩm tài chính riêng biệt, đồng thời khai thác thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
Mục tiêu là từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong mạng lưới tài chính toàn cầu, bảo đảm sự công bằng, bổ trợ và không cạnh tranh lẫn nhau giữa các trung tâm trong nước.
Nghị quyết cũng quy định loạt chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam.
Theo báo Đầu tư, các dự án đầu tư trong trung tâm nếu thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ được giao đất hoặc cho thuê đất với thời hạn tối đa 70 năm; đối với các dự án không thuộc lĩnh vực ưu tiên, thời hạn sử dụng đất tối đa là 50 năm.

Đặc biệt, để thu hút nhân lực chất lượng cao, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người lao động có trình độ cao (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) làm việc tại Trung tâm sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại đây đến hết năm 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, hệ thống cơ chế, chính sách được thiết kế cho Trung tâm lần này mang tính đột phá, cạnh tranh, với nhiều ưu đãi vượt trội hơn so với một số Trung tâm Tài chính quốc tế đã có trên thế giới. Các lĩnh vực được chú trọng bao gồm thuế, đất đai, hạ tầng, bảo hiểm...
Theo báo VnExpress, tại cuộc tọa đàm gần đây với đại diện doanh nghiệp Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh nội dung về Trung tâm Tài chính quốc tế, Bộ cũng đang tập trung rà soát chính sách thuế liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững như ESG, thị trường carbon, tiêu chuẩn thương mại xanh, cũng như các thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Riêng về chính sách thuế dành cho Trung tâm Tài chính quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh để phù hợp với chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 và theo sát các thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu là đảm bảo sức cạnh tranh với các trung tâm trong khu vực, nhưng vẫn tránh việc biến Việt Nam thành một "thiên đường thuế" thu hút vốn đầu cơ hoặc các thực thể tài chính không minh bạch.
Theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm sơ kết và báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện sau 5 năm triển khai. Chậm nhất đến ngày 30/3/2034, Chính phủ phải trình Quốc hội báo cáo tổng kết, đồng thời đề xuất việc xây dựng và ban hành Luật về Trung tâm Tài chính quốc tế.
Hải Đăng - nguoiquansat.vn
Theo reatimes.vn
Bình luận
0 Bình luận