Bất động sản

Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát biến động giá đất

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị yêu cầu cần có chính sách kiểm soát biến động giá đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân có thể tiếp cận đất đai.

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Văn kiện xác định rõ mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai.

Nghị quyết yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm kiểm soát biến động giá đất – nhất là giá đất phục vụ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Nghị định 96 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, bổ sung nhiều cơ chế điều tiết thị trường địa ốc.

Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát biến động giá đất- Ảnh 1.
Thời gian tới, trên tinh thần của Nghị quyết 68, Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát biến động giá đất. Ảnh: Internet

Theo đó, việc can thiệp điều tiết sẽ được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch bất động sản biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong vòng ba tháng, hoặc khi thị trường xuất hiện các yếu tố bất thường đe dọa ổn định kinh tế - xã hội.

Bộ Xây dựng sẽ đánh giá tình hình thị trường dựa trên chỉ số giá, khối lượng giao dịch và các chỉ số kinh tế - xã hội liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm nay, đồng bộ kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan.

Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát biến động giá đất- Ảnh 2.
Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025. Ảnh: Internet

Nhà điều hành được giao nhiệm vụ đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Về chính sách hỗ trợ hạ tầng, các địa phương được phép sử dụng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ, với điều kiện bố trí một phần quỹ đất đã đầu tư để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.

Các địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế để xác định quỹ đất phù hợp, bảo đảm mỗi khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp có diện tích bình quân tối thiểu 20ha, hoặc chiếm ít nhất 5% tổng quỹ đất.

Đối với các doanh nghiệp thuê lại đất, Nhà nước áp dụng chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê trong 5 năm đầu kể từ thời điểm ký hợp đồng. Khoản giảm này sẽ được hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua cơ chế khấu trừ nghĩa vụ tài chính về đất.

Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu các cấp, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ, đồng thời khai thác hiệu quả các quỹ đất đang bị bỏ hoang, tranh chấp kéo dài. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc đổi mới sáng tạo sẽ được ưu tiên thuê đất, nhà xưởng là tài sản công chưa sử dụng tại địa phương.

Thanh Sơn - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn