Doanh nghiệp chưa niêm yết

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cái tên Hồ Quốc Minh là ‘điểm liên kết’ giữa Nguyễn Cao Trí và Tập đoàn Tuần Châu?

VKSND Tối cao vừa công bố cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cáo trạng chỉ rõ hành vi phạm tội của từng cá nhân, liệt kê một số chi tiết các tài sản bị kê biên.

Trong vụ án, Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, CTCP Tập đoàn Capella - là nhân vật đang để lại nhiều ẩn số thông qua 1 cá nhân tên Hồ Quốc Minh.

Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí có thỏa thuận mua cổ phần một số dự án của tại CTCP Cao su Công nghiệp (IRC), CTCP Du lịch Sài Gòn Đại Ninh và dự án Hải Hà. Trong thời gian này Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chuyển tiền cho Trí thông qua Hồ Quốc Minh và các nhân viên của Lan.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Tài sản kê biên lộ 2.100 tỷ đồng gửi tại SCB, BIDV, Vietinbank, HSBC… bị phong tỏa

- Theo thỏa thuận, Nguyễn Cao Trí (và những người đứng tên hộ) chuyển nhượng 65% vốn cổ phần tại Công nghiệp Cao su cho Trương Mỹ Lan với giá 45 triệu USD. Trương Mỹ Lan đã 3 lần chuyển, tổng số tiền 21,25 triệu USD (gần 477 tỷ đồng). Do cổ phần của Cao su Công nghiệp bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm nên hợp đồng được làm dưới dạng ủy thác đầu tư.

- Ngoài ra Trí thỏa thuận bán 100% vốn cổ phần tại Du lịch Đại Ninh cho Trương Mỹ Lan với giá trị 3.000 tỷ đồng (dù Trí chỉ mua và đứng tên 58% vốn cổ phần tại đây). Trương Mỹ Lan đã đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỷ đồng. Sau đó 2 bên thống nhất tiền cọc này chuyển sang việc chuyển nhượng 10% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang.

- Đối với việc đầu tư tại dự án huyện Hải Hà Quảng Ninh, Tập đoàn Bến Thành Holdings của Trí được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương triển khai dự án. Để tham gia, Trương Mỹ Lan thoả thuận với Trí thanh toán theo tiến độ, 2 lần chuyển tổng số tiền 9,5 triệu USD (220 tỷ đồng). Sau đó Trương Mỹ Lan không tiếp tục tham gia và thỏa thuận với Trí chuyển thành thanh toán 10% vốn điều lệ của Giáo dục Văn Lang.

>> Bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Cao Trí và những thương vụ triệu USD

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cái tên Hồ Quốc Minh là ‘điểm liên kết’ giữa Nguyễn Cao Trí và Tập đoàn Tuần Châu?

Nhận nhiều tiền nhưng không có giấy tờ biên nhận, đến tháng 1/2021 Nguyễn Cao Trí và Trương Mỹ Lan gặp nhau tại nhà hàng Ngân Đình (tòa nhà Times Square) thống nhất các khoản Lan đã chuyển cho Trí tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. Trí sau đó soạn thảo văn bản, yêu cầu những người đứng tên hộ chuyển nhượng số cổ phần và hợp đồng cho người được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên là Hồ Quốc Minh.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lời khai của đối tượng “chủ chốt” lộ bí mật tầng 39 tòa nhà Times Square

Khị vụ án bị khởi tố, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo điều chỉnh các văn bản và thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư… Đồng thời ngày 23/10/2022 hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi Minh ra nước ngoài chữa bệnh, yêu cầu ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã soạn thảo nêu trên.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan. Nguyễn Cao Trí khai việc gặp Hồ Quốc Minh sở sân bay là tình cờ, không giao giấy tờ, tài liệu gì.

Hồ Quốc Minh là người được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên cổ phần, hiện đã xuất cảnh nên chưa đủ tài liệu, chứng cứ xác thực vai trò đồng phạm.

Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tài sản của Lan và thu hồi 1.000 tỷ đồng.

>> Vụ án Vạn Thịnh Phát: Những tài sản nào bị công an thu hồi?

Khám xét người, nơi làm việc của Nguyễn Cao Trí, cơ quan điều tra thu giữ gần 94 tỷ đồng gồm hơn 3,13 triệu USD và số tiền 1,7 tỷ đồng; gia đình bị can Nguyễn Cao Trí nộp khắc phục hậu quả vụ án gần 641 tỷ đồng. Ngoài ra cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản.

Hồ Quốc Minh đã ra nước ngoài, nên việc Nguyễn Cao Trí không thừa nhận những giao dịch với Trương Mỹ Lan, cơ quan cảnh sât điều tra dùng phương thức xác nhận chữ ký, tuy vậy Trí vẫn chưa nhận tội.

Bất ngờ tên Hồ Quốc Minh mới đây lại một lần nữa xuất hiện ở một diễn biến khác. Không có chứng cứ xác thực đây là trùng tên, hay cùng một người.

Cụ thể, bản cáo trạng ghi nhận trong số tài sản bị kê biên, có 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh của "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 8 bất động sản bị kê biên liên quan đến Tập đoàn Tuần Châu

Sự hiện diện của Vạn Thịnh Phát tại hệ sinh thái Tuần Châu rõ nét nhất ở CTCP T&T Hạ Long khi tháng 1/2020 ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vicent) và sau đó đến bà Nguyễn Vũ Anh Thi lên tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT, thay thế ông Đào Hồng Tuyển.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cái tên Hồ Quốc Minh là ‘điểm liên kết’ giữa Nguyễn Cao Trí và Tập đoàn Tuần Châu?

Ảnh ông Đào Hồng Tuyển và bà Trương Mỹ Lan

Hệ sinh thái Tuần Châu rất đồ sộ, dự án trải nhiều tỉnh thành. Trong số đó đáng chú ý có ít nhất 2 công ty có sự xuất hiện của cổ đông mang tên Hồ Quốc Minh.

- CTCP Đầu tư phát triển Tuần Châu cũng thành lập tháng 6/2017 với vốn điều lệ 5.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư và phát triển Great TPP góp 0,5%; ông Hồ Quốc Minh góp 0,5% và CTCP Đầu tư Tuần Châu Global góp 99%.

- CTCP Đầu tư Tuần Châu Global thành lập tháng 5/2017 có vốn điều lệ 5.450 tỷ đồng. Công ty do ông Đào Hồng Tuyển góp 49%; Hồ Quốc Minh góp 1%; Đặng Thị Thanh Phương góp 20%; Châu San Phàm góp 10% và Nguyễn Công Thành góp 20%.

Ông Hồ Quốc Mình mang hộ chiếu số B2517745, địa chỉ tại 108/28 Đào Duy Anh, phường 09, quận Phú Nuận, thành phố Hồ Chí Minh.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện người trả lại nhiều tiền nhất cho SCB và Trương Mỹ Lan

 
Hồ Nga
Kiến thức Đầu tư