![]() |
Hình minh họa |
14h: Thị trường chứng khoán duy trì trạng thái rung lắc hẹp quanh tham chiếu trong bối cảnh nhóm cổ phiếu VN30 tương đối "bất hòa". Cổ phiếu FPT, ACB là hai mã tăng nổi bật với 4,1% và 2,3%, cùng với một số mã ngân hàng dầu khí cân lại lực bán ở bộ ba BCM, VHM, VIC.
11h30: VN-Index nhanh chóng hồi phục ngay đầu phiên. Tuy nhiên, việc thiếu vắng nhóm dẫn dắt khiến chỉ số không thể duy trì đà tăng, quay đầu điều chỉnh trong phần lớn thời gian giao dịch.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 1,64 điểm lên 1.383,6 điểm. Sàn HoSE ghi nhận 198 mã tăng và 87 mã giảm. Thanh khoản sụt giảm mạnh 35% so với hôm qua, đạt 15.872 tỷ đồng.
FPT là điểm sáng hiếm hoi của nhóm vốn hóa lớn. Cổ phiếu tăng mạnh 4,4% lên 123.200 đồng, góp 2 điểm tăng cho VN-Index, khối ngoại mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu. Ngược lại, VIC giảm 2,5%, lấy đi hơn 2,1 điểm.
VN30 kết phiên tăng gần 4 điểm với 15 mã tăng và 9 mã giảm. Các nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán hồi nhẹ nhưng không đủ tạo động lực lớn cho chỉ số.
Ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, dòng tiền hoạt động tích cực hơn. Top thanh khoản ghi nhận VIX (+2,1%, 36,5 triệu cp), DIG (+4,2%), PDR, NVL, LDG (+6,1%)… Trong đó, TCH có thời điểm tăng kịch trần, kết phiên tăng 5,6% với thanh khoản hơn 11 triệu đơn vị; HHS tăng gần 4%.
Xét theo nhóm ngành, viễn thông dẫn đầu nhờ FPT. Một số cổ phiếu cùng ngành như CMG, ELC cũng tăng trên 2%. Trong khi đó, bất động sản chịu áp lực lớn khi VIC và VHM điều chỉnh sâu, lấn át đà tăng ở nhóm nhỏ.
Trên sàn HNX, thị trường khởi sắc về cuối phiên. HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,64%) lên 232,41 điểm với 75 mã tăng, 44 mã giảm. Thanh khoản đạt gần 47 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 772 tỷ đồng. CEO (+3,4%) và SHS (+1,5%) tiếp tục là tâm điểm với khối lượng khớp lần lượt hơn 15,6 triệu và 7,1 triệu cổ phiếu.
10h: Sau khi tăng hơn 5 điểm trong 30 phút đầu phiên, thị trường chứng khoán nhanh chóng chịu áp lực bán trở lại. Tính đến 10h, VN-Index giảm 2,3 điểm, lùi về gần sát mốc 1.380 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất 3,5 điểm. Dù số mã tăng trên HoSE (162 mã) vẫn áp đảo số mã giảm, nhưng áp lực tại các cổ phiếu trụ đã làm nghiêng cán cân thị trường.
Thanh khoản thị trường chậm lại, giá trị giao dịch mới đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng gần 250 tỷ đồng, tập trung ở nhóm bất động sản như DIG, PDR, NVL, HHS, CEO, DXG. Ở chiều ngược lại, VIC, VHM, STB – những mã dẫn dắt đà tăng gần 3 tháng qua – đang bị bán ra.
Tâm lý thị trường có phần thận trọng khi nhà đầu tư trong nước đang chờ đợi thông tin quan trọng về chính sách thuế quan từ Mỹ vào ngày 9/7 tới. Tiến trình đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại lớn vẫn diễn ra chậm chạp, với nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Hiện tại, Mỹ mới đạt hai thỏa thuận lớn: Một với Anh và một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Đàm phán với hơn 200 đối tác khác vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, khả năng đạt thỏa thuận toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) vẫn gặp khó khi nội bộ EU còn nhiều quan điểm trái chiều – như Pháp phản đối các điều khoản bất bình đẳng, trong khi một số nước lại muốn nhanh chóng ký kết để tránh thuế quan leo thang lên tới 50%.
Với Nhật Bản, điểm nóng nằm ở mức thuế 25% mà Mỹ áp lên ngành ô tô – lĩnh vực đóng góp 10% GDP quốc gia này. Tokyo coi đây là rào cản không thể chấp nhận, trong khi Washington giữ lập trường cứng rắn do cho rằng đây là nguồn gốc của thâm hụt thương mại.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán với Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Nhà đầu tư hiện vẫn theo dõi sát các diễn biến trước thời điểm then chốt 9/7, khi kết quả đàm phán có thể tác động lớn đến tâm lý thị trường toàn cầu.
Quốc Trung - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận