Hàng hóa

Xuất khẩu một phụ phẩm từ cây chuối, Việt Nam âm thầm vươn lên vị trí top 2 toàn cầu

Thứ tưởng chừng bỏ đi lại mang về hàng triệu USD cho Việt Nam.

Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích Volza, Việt Nam hiện đứng thứ hai toàn cầu về số chuyến xuất khẩu lá chuối, chỉ sau Ấn Độ. Cụ thể, Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần, với gần 3.859 chuyến hàng ra quốc tế, vượt qua các đối thủ như Thái Lan, Philippines. Các thị trường nhập khẩu chính bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông - những nơi ưa chuộng lá chuối không chỉ để chế biến ẩm thực truyền thống mà còn làm bao bì sinh học thay thế nhựa.

Chuối là loại cây quá quen thuộc với người dân Việt, nhưng quả chuối chỉ chiếm khoảng 12% sinh khối, phần lớn như lá, thân, hoa vẫn chưa được khai thác hiệu quả, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Lá chuối, với hương thơm tự nhiên và màu xanh đẹp mắt, từ lâu đã gắn bó với ẩm thực truyền thống - gói bánh chưng, bánh tét, xôi, chả,… Giờ đây, chúng đang chuyển mình trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị, đóng góp hơn 1 triệu USD doanh thu trong năm 2022, và 722.000 USD chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023.

Theo cập nhật năm 2025, giá FOB cho lá chuối đông lạnh từ Việt Nam dao động 0,60-1,20 USD/kg, trong khi giá trong nước chỉ từ 4.000-10.000 đồng/kg. Khoảng chênh lớn cho thấy dư địa gia tăng giá trị rất đáng kể.

Xuất khẩu một phụ phẩm từ cây chuối, Việt Nam âm thầm vươn lên vị trí top 2 toàn cầu
Lá chuối Việt Nam là mặt hàng được thế giới ưa chuộng. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, để được chấp nhận trên thị trường quốc tế, lá chuối xuất khẩu không thể là sản phẩm thu hái tùy tiện ngoài vỉa hè. Chúng phải đáp ứng chuỗi tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Cụ thể, lá phải có kích thước tối thiểu 30 cm, không rách, giữ được màu xanh tự nhiên, không nấm mốc, được rửa sạch và cấp đông ở nhiệt độ -18°C. Quy trình đóng gói phải chân không, đảm bảo vệ sinh, đồng thời sản phẩm cần có đầy đủ chứng nhận phytosanitary, HACCP, ISO 22000, thậm chí là hữu cơ, tùy theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu.

Một số dự án khởi nghiệp như Vibale đã thành công trong việc ép lá chuối thành đĩa, hộp thực phẩm, có thể phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày, bảo quản 12 tháng, thân thiện với môi trường, đúng chuẩn “xanh, sạch, sang”.

Xu hướng sử dụng lá chuối làm bao bì sinh học mở ra tiềm năng to lớn trong ngành bao bì xanh toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang “cai” nhựa dùng một lần.

Các chuyên gia khẳng định: tận dụng lá chuối không chỉ giúp giảm lãng phí, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn thúc đẩy chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, cải thiện môi trường và tạo thêm động lực cho nông nghiệp tuần hoàn.

Bài học từ lá chuối là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận “khai thác toàn diện tài nguyên nông nghiệp”, nơi mỗi cây chuối không chỉ cho quả, mà còn cho thu nhập từ lá, hoa, thân, nếu được đầu tư và chế biến bài bản.

Tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này, kết hợp với kỹ thuật chế biến, tiêu chuẩn hóa xuất khẩu và tư duy đổi mới, lá chuối hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng nông sản thân thiện môi trường của thế giới.

Hồng Hà - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư