Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc AGF nhận định: Với mức thuế chống bán phá giá tạm thời nêu trên một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn về thị trường cũng như có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tài chính và sản xuất kinh doanh.
“Tuy nhiên, đối với AGF, trong giai đoạn POR6 này có xuất cho khách hàng duy nhất là Mazzetta (Mỹ) với tổng trị giá 803.872 USD theo phương thức giá CF nên nếu phải nộp thuế thì khách hàng của AGF chịu trách nhiệm và AGF không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào” – Ông Ký cho biết.
8 tháng đầu năm 2010, AGF đã xuất cho Mazzetta 1.770 tấn cá Tra, trị giá 5.707.901 USD (cũng theo phương thức giá CF). Với sản lượng xuất khẩu này thì chỉ chiếm tỷ trọng 10,13% trên tổng sản lượng xuất khẩu của AGF, do đó không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2010.
Ông Kỳ chia sẻ, hiện tại cũng như lâu dài, AGF cũng như các doanh nghiệp nên giữ phương thức bán giá CF để các nhà nhập khẩu ở Mỹ có trách nhiệm với chúng ta hơn.
AGF vẫn xem thị trường Mỹ là thị trường tiềm năng, cố gắng thường xuyên trao đổi với khách hàng Mỹ để ổn định thị trường này đồng thời phải phát triển tốt ở các thị trường khác với sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý hơn.
Riêng đợt POR6 này, AGF sẵn sàng tham gia cùng với VASEP và Ủy Ban Cá Nước Ngọt chủ động kháng cáo dưới mọi hình thức để góp phần hỗ trợ cho khách hàng hiện nay.
Theo thông tin báo chí, tại cuộc họp ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/9, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt nam (VASEP) cho biết kết quả xem xét hành chính lần thứ 6 (POR6) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), theo đó một số doanh nghiệp xuất khẩu cá Tra sang thị trường Mỹ có thể phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới 130%. Ngoài ra, VASEP còn cho biết, trong những lần xem xét hành chính trước, DOC thường chọn Bangladesh làm quốc gia lấy giá trị thay thế, tuy nhiên lần này DOC đã chọn Philippines. Việc thay đổi này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xem xét hành chính trong thời gian tới vì chi phí giá thành tại Philippines cao hơn hẳn Việt Nam do nuôi nhỏ lẻ và tiêu thụ trong nước. |
Theo AGF
Bình luận
0 Bình luận