3 động lực tăng trưởng mới
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào ngành sản xuất khi các hoạt động liên quan đến bất động sản, vốn từng chiếm khoảng 1/5 tốc độ mở rộng của nền kinh tế, lại trở thành lực cản cho đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ năm 2022 đến nay.
Một phần của trọng tâm này, được gọi là “3 động lực tăng trưởng mới”, bao gồm xe điện, pin và năng lượng tái tạo. Chúng sẽ hỗ trợ nỗ lực khử cacbon của thế giới và thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng như đồng và lithium.
Cho đến nay, chiến lược này đang giúp Trung Quốc tránh được cuộc suy thoái như đã xảy ra với Nhật Bản vào những năm 1990 và Mỹ năm 2008 khi thị trường nhà ở của các nước này suy giảm. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, nó cũng thúc đẩy sự mất cân bằng, tạo tiền đề cho những căng thẳng mới trong thương mại toàn cầu. Đó là căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phát triển cũng như các nền kinh tế mới nổi đang cố gắng đạt đến các bậc thấp hơn của thang công nghiệp hóa.
Gia tăng bảo hộ
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã tăng cường cảnh báo về tình trạng dư thừa sản suất của Trung Quốc.
Cụ thể, châu Âu đã khởi xướng một loạt cuộc điều tra thương mại, dẫn đến việc Trung Quốc vào tuần trước tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm rượu của EU. Động thái này được các nhà phân tích xem là nhằm vào Pháp, do đây là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chiến dịch điều tra chính sách trợ cấp xe điện mà EU nhằm vào Trung Quốc.
>> Xe điện Trung Quốc đang thao túng thị trường châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đó cũng thắt chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Và cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có thể có sự góp mặt của ông Donald Trump sẽ khiến các chính sách bảo hộ (protectionist policy) gia tăng hơn nữa.
Thêm vào đó, các nước đang phát triển cũng bị ảnh hưởng theo. Mặc dù chiến lược của Trung Quốc có thể làm giảm chi phí vốn, nhưng những nỗ lực của nước này nhằm giữ chân các ngành công nghiệp cấp thấp hơn đã thu hẹp thị trường của các quốc gia như Việt Nam và Indonesia, những nước lẽ ra sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc chuyển lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị.
Những quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, lại đang tìm cách thu hút các ngành công nghiệp phức tạp hơn và gia tăng chính sách hạn chế sản phẩm đến từ Trung Quốc.
![]() |
Tốc độ tăng trưởng cho vay mới theo ngành tại Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg |
Trọng tâm mới của Trung Quốc, nhằm tập trung vào “nâng cấp công nghiệp”, sẽ chú trọng đẩy mạnh đầu tư, cho vay đối với các lĩnh vực hiện đang được các quốc gia giàu có chiếm ưu thế. Điều này dẫn đến giảm nhập khẩu từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản - những nước vốn có truyền thống thặng dư thương mại (trade surplus) với Trung Quốc vì họ cung cấp cho nhà máy nước này các linh kiện công nghệ cao.
Việc Mỹ hạn chế sản xuất chip cao cấp cũng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nỗ lực để đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ tiên tiến như một ưu tiên an ninh quốc gia cấp bách.
Thành công của Trung Quốc
Thành công sản xuất rõ ràng nhất của Trung Quốc là “3 sản phẩm mới”. Theo thống kê chính thức, giá trị xuất khẩu xe điện, pin và tấm năng lượng mặt trời trong 3 quý đầu năm 2023 tăng 42% so với cùng kỳ. Người tiêu dùng trong nước đã mua gần 6 triệu xe điện hàng nội địa trong 10 tháng đầu năm ngoái, so với lượng xuất khẩu 1,6 triệu chiếc.
Mặt khác, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi tháng 11 năm ngoái cảnh báo rằng tình trạng dư cung “có thể phát sinh trong tương lai ở các ngành mà Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều”.
Ủy ban EU cũng trực tiếp tiến hành một cuộc điều tra về xe điện của Trung Quốc - một động thái hiếm hoi vì các cuộc điều tra như vậy thường được ngành công nghiệp yêu cầu. Vào tháng 11/2023, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết “các sản phẩm dư thừa công suất của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp được bảo hộ đang tràn ngập thị trường toàn cầu và có thể làm suy yếu cơ sở công nghiệp của chúng ta”.
Thêm vào đó, nhiều công ty khác phàn nàn rằng thị trường Trung Quốc ngày càng ít cởi mở hơn đối với các thương hiệu nước ngoài, ngay cả khi việc sản xuất được thực hiện tại nước này. Họ chỉ ra một số ngành vẫn bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn Chính phủ lại đang thực hiện chính sách “mua hàng Trung Quốc” cho các hàng hóa như thiết bị y tế.
![]() |
Trọng tâm sản xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa các mục tiêu kinh tế, an ninh và ổn định xã hội. Nguồn: Bloomberg |
Trong bài phát biểu năm 2020 đề ra chiến lược lưu thông kép, một nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tập trung vào nhu cầu nội địa trước căng thẳng gia tăng từ bên ngoài, ông Tập Cận Bình đã gọi ngành sản xuất là “huyết mạch” và “nền tảng” của đất nước.
Kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của nước này tuyên bố rằng tỷ trọng của ngành sản xuất trong GDP sẽ không được phép giảm từ năm 2020 trở đi. Được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng đối với hàng hóa Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, tỷ trọng này đã tăng 2 điểm phần trăm trong 2 năm tiếp theo để đạt 28% GDP.
Zhu Min, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nhận xét: “Mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chuyển từ 'đầu tư - nhà ở - xuất khẩu' sang 'nhu cầu trong nước - sản xuất - trung hòa carbon'. Đây là một sự chuyển đổi cơ cấu lâu dài.”
Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group, sự tăng trưởng nhanh chóng của “ba ngành công nghiệp mới” sẽ không thể bù đắp cho sự sụt giảm của ngành bất động sản và sản lượng ô tô chạy bằng khí đốt.
Trong báo cáo tháng 1 về các lĩnh vực như vật liệu tiên tiến, robot và công nghệ sinh học, họ chỉ ra rằng điều này có khả năng dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm mỗi năm từ năm 2023 đến 2027 và ảnh hưởng đến việc làm ở thành thị.
Trước đó, ông Tập đã sử dụng bài phát biểu năm mới hàng năm của mình trong cùng tháng để nhấn mạnh việc ra mắt tàu du lịch tự chế tạo và máy bay thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng trên tất cả các mặt trận này hay không.
Hạn chế thứ 2 đối với tăng trưởng sản xuất là căng thẳng thương mại ngày càng sâu sắc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải tự tiêu thụ phần lớn sản lượng sản xuất của mình tại thị trường nội địa.
Arthur Kroeber, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ ở mức từ 3% đến 4% trong suốt thập kỷ còn lại nếu các chính sách đầu tư và định hướng ngành tiếp tục được duy trì.
Quỳnh Vân
Bình luận
0 Bình luận