Vĩ mô

'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân - Bài 2: Sớm đưa chủ trương thành chương trình hành động

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên – người tiên phong lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Cần sớm hình thành khung pháp lý

Nghị quyết 68 ghi nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế sẽ giải phóng tiềm năng của đất nước, giúp Việt Nam có thể vươn lên tầm châu lục và thế giới.

Tất nhiên, nghị quyết chỉ là bước đầu. Chúng ta còn phải làm nhiều việc một cách đồng bộ, thực chất và triệt để mới có thể biến những kỳ vọng của nghị quyết thành thực tế. Nhất là việc Quốc hội, Chính phủ cụ thể hoá nghị quyết thành khung pháp lý và chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề cốt lõi hiện tại.

'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân - Bài 2: Sớm đưa chủ trương thành chương trình hành động ảnh 1
TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên trong một buổi giới thiệu về sản phẩm xe điện.

Để giải phóng và nâng tầm sức mạnh kinh tế tư nhân, theo tôi cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Đầu tiên là khơi thông nguồn vốn, nhất là nguồn vốn (có phần) mạo hiểm, một cách hợp lý cho kinh tế tư nhân. Vốn là máu của doanh nghiệp (DN), điều này luôn đúng. Nhưng với DN khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ cần vốn, mà cần vốn có tính mạo hiểm bởi những thứ đột phá lớn đều có sự mạo hiểm cao. Do đó, không chỉ DN mà Nhà nước cũng phải chấp nhận mạo hiểm, cụ thể hoá bằng những nguồn vốn có tính mạo hiểm cao hơn.

Phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều thách thức cần phải vượt qua. Nhưng tôi tin đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện tại có đủ bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết để chèo lái con thuyền Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên

Nước Mỹ đạt được vị thế hùng cường là nhờ vào KHCN. Cụ thể hơn là nhờ vào DN tư nhân dựa trên KHCN. Và DN Mỹ phát triển tốt là nhờ vào hệ sinh thái vốn mạo hiểm tốt nhất thế giới. Có thể nói Apple, Google, Facebook ở Mỹ nhờ vào nguồn vốn mạo hiểm chỉ nước này mới có.

Nguồn vốn này cần được phát triển đồng bộ cho mọi giai đoạn phát triển của DN (gồm: vốn thiên thần-nguồn vốn đầu tiên cho những người tin vào lý tưởng, quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng và sàn chứng khoán), cả trong và ngoài nước. Mục tiêu hướng tới thu hút ngày càng nhiều vốn nước ngoài, nhưng để làm được cần có hệ sinh thái vốn trong nước mạnh.

Thị trường vốn của Việt Nam đang không thiếu, nhưng bị phân bổ lệch và khai thác thiếu hiệu quả. Phần rất lớn dòng tiền đang đổ vào bất động sản (BĐS) và phục vụ nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi, giá BĐS bị bơm thổi vượt giá trị thực, nạn đầu cơ tăng, dẫn đến dòng tiền không được sử dụng hiệu quả và có thể gây nhiều hệ luỵ xã hội. Hệ thống ngân hàng cơ bản dựa vào BĐS, dẫn đến cơ hội cho DN sản xuất, hay doanh nghiệp KHCN không có BĐS thế chấp rất khó tiếp cận vốn phát triển.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa mới manh nha phát triển, với số lượng ít ỏi và gặp nhiều khó khăn để huy động vốn vì cơ chế, chính sách. Nếu vốn nội không thể phát triển thì vốn ngoại càng khó và dẫn đến cả hệ sinh thái khó phát triển.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán có dấu hiệu cho thấy giá trị bị thao túng. Nhiều người dân tham gia đầu tư theo kiểu lướt sóng “đánh bạc”, thay vì có phân tích căn bản về DN và thị trường. Chúng ta cần sự cải tổ mạnh mẽ của quản lý nhà nước để những gì cần phát triển thì được khuyến khích, dồn nguồn lực; những gì chưa cần, thậm chí gây hại lớn thì hạn chế, ngăn chặn và xoá bỏ.

Giảm thiểu “ma sát” giữa cơ quan công quyền và DN

Chúng ta cần hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo môi trường và phục vụ DN và người dân. Cần biến các chủ trương lớn thành mục tiêu và chương trình hành động quốc gia cụ thể, để tạo cơ sở cho doanh nghiệp quy hoạch phát triển.

Chính sách cần giảm thiểu “ma sát” giữa các cơ quan công quyền và DN. Nhà nước phải là người giải quyết vấn đề, tạo điều kiện cho DN phát triển. Chúng ta cần hướng tới hành động thực chất, có tác dụng lâu dài và bền vững.

Cần xác định rõ ưu tiên phát triển trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng thế mạnh Việt Nam và dồn nguồn lực phát triển, trong thời gian đủ dài, tránh dàn trải, chạy đua theo xu thế của thế giới.

Theo báo cáo của McKinsey, trong 20 năm tới sẽ có 18 vũ đài về kinh tế mới, dựa trên KHCN để chúng ta thi đấu: Từ AI, bán dẫn, xe điện, pin cho tới robot, không gian, điện hạt nhân... Đây đều là “hot trends” (những xu hướng nóng) mà chúng ta đều đã từng nghe, nhưng liệu chúng ta có nên tập trung vào hết không? Chắc chắn là không vì Việt Nam không đủ lực để làm tất cả.

Vậy chúng ta làm gì? Cần phải có sự lựa chọn rất căn cơ. Có những lĩnh vực chúng ta đã có kết quả và có lợi thế bước đầu như xe điện thì tại sao không tập trung phát triển? Hay như hệ sinh thái sản xuất của chúng ta cũng đã có những tích luỹ đáng kể, sao không tập trung vào một số mảng để phát triển. Tại sao chúng ta phải luôn nói những từ khoá mới nhất của thế giới?

Tôi cũng như rất nhiều chủ DN khác rất kỳ vọng vào những sự đổi mới tích cực đang diễn ra. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã tạo được một khí thế mới và một niềm tin mới. Phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều thách thức cần phải vượt qua. Nhưng tôi tin đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện tại có đủ bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết để chèo lái con thuyền Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

Sau khi nhận học bổng toàn phần của Tập đoàn Dầu khí Malaysia học tại trường Đại học kỹ thuật PETRONAS, anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên du học theo học bổng của Nghị viện Mỹ (VEF) lấy bằng thạc sỹ và tiến sỹ ngành Cơ khí ở trường Đại học Michigan (Mỹ). Anh Nguyên từ chối lời mời phỏng vấn, làm việc của nhiều DN lớn của Mỹ như TRW (công nghiệp ô tô), Capgemini (tư vấn công nghệ), Apple, Intel, Ford, GM, McKinsey, JP Morgan Chase...

Trở về Việt Nam, anh Nguyên tham gia mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam do Chính phủ quy tụ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nền công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Năm 2018, anh và 2 cộng sự sáng lập, xây dựng hệ sinh thái xe điện Selex Motors với khát vọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua phương tiện điện thông minh, đưa năng lượng tái tạo vào giao thông. Công ty bắt đầu xuất khẩu hệ sinh thái xe điện sang Philippines từ năm 2024.

 

 

TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên - nguoiquansat.vn

Theo tienphong.vn