Ngày 15/4/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Theo đó, tổng công suất lắp đặt toàn quốc đến năm 2030 được nâng thêm 33% so với quy hoạch ban đầu, gấp 2,5 lần so với mức ghi nhận cuối năm 2024. Đáng chú ý, phần công suất bổ sung trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh chủ yếu đến từ khu vực miền Bắc, nổi bật với điện mặt trời áp mái và điện mặt trời nổi, tăng gấp 20 lần. Miền Nam xếp sau với công suất điện mặt trời áp mái tăng gấp 6 lần, trong khi miền Trung ghi nhận mức tăng đáng kể ở điện gió trên bờ, gấp 17 lần so với trước.
![]() |
Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII |
Ngành dầu khí được ưu tiên - PVS, PVD, GAS hưởng lợi
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tiến độ các dự án khí trong nước như Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh, cùng loạt nhà máy điện khí đồng hành gồm Ô Môn II, Ô Môn III, Ô Môn IV; Miền Trung I, Miền Trung II và Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III, với tổng công suất dự kiến khoảng 6.900MW.
Theo Chứng khoán Vietcap, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) được kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu kỹ thuật, mua sắm và bảo trì gia tăng. Trong khi Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí (HoSE: PVD) có tiềm năng từ việc gia tăng hoạt động khoan và các dịch vụ liên quan đến giếng khoan, phục vụ khai thác khí thượng nguồn. Ngoài ra, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) có thể hưởng lợi khi nhu cầu vận chuyển khí qua đường ống tăng cao.
136 tỷ USD vốn đầu tư - động lực mới cho doanh nghiệp ngành điện
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026 - 2030 được điều chỉnh tăng mạnh 74% so với quy hoạch cũ, lên mức 136 tỷ USD, tương đương 30% GDP. Trong đó, 118 tỷ USD dành cho phát triển công suất điện (+64%) và 18 tỷ USD cho hạ tầng truyền tải điện 220 - 500 kV (+200%). Chứng khoán Vietcap đánh giá đây là cú hích cho các doanh nghiệp ngành điện như CTCP Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) nhờ hưởng lợi từ nhu cầu phát triển hạ tầng điện quy mô lớn.
![]() |
Cần 136 tỷ USD đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải trong 5 năm tới (Ảnh: Vietcap) |
PVS đón đầu cơ hội từ tiềm năng xuất khẩu điện
Lần đầu tiên, Quy hoạch điện đề cập cụ thể tới chiến lược phát triển các nguồn điện tái tạo phục vụ xuất khẩu. Năm 2030, công suất xuất khẩu sang Campuchia tăng lên 400MW. Giai đoạn 2035 - 2050, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 - 10.000MW sang Singapore, Malaysia và các nước trong khu vực, tùy theo nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế.
Với kinh nghiệm hợp tác cùng Sembcorp (Singapore) phát triển dự án điện gió ngoài khơi công suất 2.300MW nhằm xuất khẩu điện sang Singapore, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) được đánh giá đang sở hữu vị thế thuận lợi để tiếp tục mở rộng các dự án tương tự trong tương lai.
Tiềm năng tăng trưởng từ cơ chế DPPA
Sau khi bỏ ngưỡng tiêu thụ tối thiểu 200.000 kWh/tháng cho khách hàng sử dụng điện lớn theo Nghị định 57/2025/NĐ-CP (ban hành ngày 03/03/2025), Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cho thấy tiềm năng nhu cầu lớn cho cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Theo ước tính của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 1.500 khách hàng lớn tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện quốc gia - đại diện cho nguồn cầu tiềm năng đáng kể đối với mô hình DPPA. Theo đánh giá của công ty chứng khoán, điều này mở ra cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các doanh nghiệp như CTCP Cơ điện lạnh (HoSE: REE).
Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam. Quyết định này mở ra cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp điện truyền thống, năng lượng tái tạo và dầu khí như PVD, PVS, PC1, REE…
Ánh Nguyệt - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận