Loạt ngân hàng đã lần lượt đưa ra những đánh giá về mức độ ảnh hưởng và công bố kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro.
Khi chính sách thuế mới từ Mỹ chính thức có hiệu lực, làn sóng ảnh hưởng đã bắt đầu lan rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành ngân hàng.
Tại mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2025, loạt ngân hàng đã lần lượt đưa ra những đánh giá về mức độ ảnh hưởng và công bố kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro.
Nhóm ngân hàng quốc doanh chịu sức ép lớn
Đại diện các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều đánh giá chính sách thuế mới sẽ tạo áp lực đáng kể lên nhóm khách hàng có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, kéo theo những rủi ro tiềm ẩn cho tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, nên thuế quan Mỹ sẽ có tác động rõ rệt.
Khách hàng của Vietcombank phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa... Đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao.
Đặc biệt, danh mục khách hàng FDI của Vietcombank rất lớn so với các ngân hàng khác, chiếm trên 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và trên 50% doanh số hạch toán tài trợ thương mại.
Để ứng phó, Vietcombank đã chủ động phối hợp cùng khách hàng tìm giải pháp giảm thiểu tác động, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, ngân hàng cũng làm việc với cơ quan quản lý để có định hướng hỗ trợ theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Đại hội |
Tại BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú chia sẻ trong cuộc họp ĐHĐCĐ, tổng dư nợ chịu tác động ước khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ, chủ yếu ở ngành thép, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, bất động sản khu công nghiệp.
Lãnh đạo BIDV đánh giá, chiến tranh thương mại dự báo sẽ tác động đến tín dụng, huy động vốn và chất lượng tài sản, kéo theo lợi nhuận suy giảm. Vì vậy, ngân hàng dự kiến trích lập dự phòng khoảng 21.000 tỷ đồng trong năm 2025, tương đương mức thực hiện năm 2024. Tỷ lệ trích lập trên tổng dư nợ sẽ có xu hướng giảm nhẹ nhờ kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 16%.
Với VietinBank, theo Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình, ngân hàng chưa đưa ảnh hưởng từ thuế quan vào mô hình kinh doanh 2025 do khó định lượng cụ thể. Tuy nhiên, VietinBank đã xây dựng các kịch bản bất lợi và phương án ứng phó.
VietinBank sẽ chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công để bù đắp tác động tiêu cực từ thương mại quốc tế. Ông Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết kết quả kinh doanh năm 2025 của VietinBank sẽ là rất ấn tượng so với năm 2024".
![]() |
Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình |
Các ngân hàng tư nhân chịu ít ảnh hưởng hơn, linh hoạt thích ứng
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, mức độ ảnh hưởng nhìn chung thấp hơn nhờ chiến lược tín dụng đa dạng và khẩu vị rủi ro thận trọng.
Tại LPBank, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết, chỉ 0,3% dư nợ tín dụng liên quan đến các doanh nghiệp chịu tác động của thuế quan. Ngân hàng đã sớm tổ chức các cuộc họp đánh giá, thống kê và đưa ra giải pháp đối phó, bao gồm cả việc thành lập công ty quản lý tài sản (AMC).
Bên cạnh đó, TPBank cũng đánh giá mức ảnh hưởng không đáng kể khi ngân hàng chỉ có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Do đó, doanh số xuất khẩu cũng chiếm dưới 20% tổng doanh thu của TPBank.
Ngân hàng cho biết đã tiến hành rà soát kỹ các khoản tín dụng mới, đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng dễ chịu tác động như thủy sản sang Mỹ.
Ngoài ra, nhóm khách hàng FDI của TPBank chủ yếu sử dụng dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại tệ và các dịch vụ hỗ trợ khác, chứ không vay vốn nên rủi ro tín dụng gần như không có.
![]() |
Toàn cảnh ĐHĐCĐ TPBank |
Tương tự, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, tổng dư nợ các ngành gỗ, cá tra, máy ảnh, hóa chất và hạt điều chiếm khoảng 3.900 tỷ đồng, tương đương 9,5% tổng dư nợ. MSB đã thực hiện rà soát lại năng lực hoạt động của khách hàng thuộc các ngành này và hiện tại ngân hàng đang kiểm soát tình hình tương đối tốt.
Trong kịch bản xấu nhất, MSB dự báo tỷ lệ nợ xấu của nhóm này có thể lên đến 2,3%, trong khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng sẽ được giữ ở mức khoảng 1,8%.
Các ngân hàng khác như PGBank và OCB cũng đã có những phương án thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ. Theo đó, PGBank chú trọng quản lý ngoại tệ, thanh toán và hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thị trường mới, quản lý rủi ro để giảm thiếu tác động tiêu cực.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, đánh giá thuế quan Mỹ là yếu tố bất định khó lường nhưng OCB vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33% trong năm 2025, kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục sau ba năm suy giảm.
Chi Hạ - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức đầu tư
Bình luận
0 Bình luận