Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định đã thoát khỏi giai đoạn tích lũy kéo dài, bước vào chu kỳ tăng giá mới. Với đà phục hồi và dòng tiền mạnh, mốc 1.600 điểm được chuyên gia VFS đánh giá là hoàn toàn khả thi trong năm 2025.
Sáng 17/7/2024, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức hội thảo với chủ đề “Triển vọng thị trường chứng khoán 2025 – Định hình chu kỳ tăng giá mới từ nội lực kinh tế”. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức đầu tư và hàng trăm nhà đầu tư cá nhân đến tham dự, trong bối cảnh thị trường đang trải qua những chuyển động tích cực sau giai đoạn nhiều biến động.
![]() |
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm sáng ngày 17/7 |
Vượt "bão vĩ mô", nội lực kinh tế dần khẳng định vai trò
Theo đánh giá tại hội thảo, thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2025 trải qua những thử thách đáng kể khi đối mặt với bất ổn địa chính trị, chiến tranh thương mại và đặc biệt là chính sách thuế đối ứng từ phía Mỹ. Tuy nhiên, nhờ quá trình cải cách thể chế quyết liệt và nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ, vượt ngưỡng 1.340 điểm và đang tăng hơn 6% chỉ trong vài phiên đầu quý III.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV – cho biết: “Tăng trưởng GDP nửa đầu năm đạt 7,52%, nhờ sự phục hồi đồng đều của các động lực tăng trưởng, cải cách thể chế và cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính. Dự báo GDP cả năm có thể đạt 7,5–7,7% và đạt 9–10% trong năm 2026 – mức tăng trưởng hàng đầu khu vực và toàn cầu.”
Dù vậy, ông cũng cảnh báo về loạt rủi ro tiềm ẩn như giải ngân đầu tư công chưa đồng đều, sức cầu tiêu dùng còn yếu, áp lực trái phiếu doanh nghiệp và các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ. Để đối phó, Tiến sĩ Lực đề xuất Việt Nam cần tăng cường đối thoại, đàm phán chính sách thương mại với Mỹ, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích chuyển đổi xanh, đa dạng hóa đối tác thương mại và nâng cao sức chống chịu nội tại.
Với thị trường chứng khoán, ông nhấn mạnh: “Việc hoàn thiện thể chế, nâng hạng thị trường, tăng tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút dòng vốn dài hạn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài”.
![]() |
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Dòng tiền trở lại, thị trường đang vào "chân sóng tăng giá"
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc Phân tích VFS – nhận định thị trường đã bước ra khỏi pha tích lũy kéo dài trong năm 2024 để chuyển sang giai đoạn tăng giá. “VN-Index đang khởi động một chu kỳ tăng trưởng mới – một ‘mega uptrend’ dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định và dòng tiền dồi dào”, ông nói.
Tín hiệu tích cực đến từ việc dòng tiền cá nhân trong nước quay lại mạnh mẽ, đẩy thanh khoản bình quân lên vùng 34.000–35.000 tỷ đồng/phiên – tương đương đỉnh lịch sử năm 2021. Cùng lúc, khối ngoại và tự doanh cũng trở lại vị thế mua ròng từ đầu tháng 7, cho thấy tâm lý thị trường đang dịch chuyển từ thận trọng sang tích cực.
“Sự trở lại của dòng tiền lý trí chứ chưa phải dòng tiền FOMO. Đây chính là giai đoạn mà ‘smart money’ – tiền thông minh – đang vào cuộc”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo số liệu VFS tổng hợp, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 9,9%, dự kiến cả năm có thể chạm mức 16–18%. Cùng lúc, cung tiền M2 cũng phục hồi mạnh 12–16%, trong khi lạm phát và tỷ giá vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ.
“Chúng ta đang chứng kiến một sự phối hợp chính sách tiền tệ – tài khóa rất nhịp nhàng: Bơm tiền để kích thích tăng trưởng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vĩ mô”, ông Hoàng phân tích. Đây là yếu tố cốt lõi giúp duy trì dòng vốn vào các tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán.
Triển vọng lạc quan: VN-Index có thể đạt 1.600 điểm
Dựa trên giả định lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường tăng 16–19% trong năm 2025 và hệ số P/E mục tiêu đạt 15–16 lần, chuyên gia VFS dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.600 điểm trong năm nay.
“Định giá hiện tại quanh mức P/E 13–14 lần vẫn tương đối hấp dẫn nếu so với trung bình 5 năm gần đây. Đây là thời điểm thị trường tích lũy cơ hội hơn là lo ngại rủi ro”, ông Hoàng kết luận.
![]() |
Nhóm bất động sản hiện có định giá hợp lý khi so sánh với mức trung bình 10 năm gần nhất |
Kết phiên 17/7, thị trường chứng khoán tăng gần 15 điểm lên mức 1.490 điểm - chỉ còn cách đỉnh lịch sử tháng 4/2022 chưa đầy 40 điểm. Tính riêng từ phiên 9/4 tới nay, VN-Index tăng xấp xỉ 400 điểm (+36,2%) - một trong những mức tăng mạnh nhất trong lịch sử thị trường xét ở khung thời gian 3 tháng.
Quốc Trung - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận