Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội đồng hành cùng 'đại bàng' FDI

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trước làn sóng FDI đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các thách thức để nắm bắt được cơ hội là không nhỏ.

Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn dịch chuyển sản xuất tới Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn do có vị trí thuận lợi trong giao thương và chi phí nhân công sản xuất cạnh tranh cùng các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của Chính phủ. Khi dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đồng hành cùng các “đại bàng” FDI. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp FDI mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn ra thế giới.

Cơ hội và Thách thức

Hợp tác với các tập đoàn FDI không chỉ mang lại cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ tiên tiến, mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt những cơ hội này, và tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng đổi mới và ứng dụng công nghệ để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các tập đoàn FDI về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tham gia vào xây dựng nhà máy trị giá gần 1 tỉ USD ở tỉnh Bình Dương của tập đoàn LEGO có 2 công ty “thuần Việt” là Coteccons (nhà thầu các hạng mục xây dựng và cơ điện) và ExtendMax Việt Nam (tư vấn pháp lý thủ tục xuất nhập khẩu các thiết bị hạ tầng mạng công nghệ thông tin).

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/19/doanh-nghiep-viet-nam.jpg

Ông Trần Thanh Phương – CEO, Founder của ExtendMax

Ông Trần Thanh Phương – CEO của Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam chia sẻ: “Các công ty quy mô toàn cầu như LEGO, Amazon, Samsung, Qualcomm… đều đặc biệt coi trọng việc tuân thủ các quy định pháp luật và có những điều kiện đầu vào rất cao. Để trở thành nhà cung ứng của những tập đoàn hàng đầu thế giới, chúng tôi phải đáp ứng được các yêu cầu cao về năng lực cũng như các yêu cầu về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường, phát triển con người”

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/19/doanh-nghiep-viet-nam-1.jpg

Ông Trần Thanh Phương và đội ngũ ExtendMax

Hướng đi cho tương lai

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2022 tỉ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 7,4%, tỉ lệ doanh nghiệp có khách hàng ở nước ngoài là 3,9% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 2,6% doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp.

ExtendMax thuộc một nhóm thiểu số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn FDI công nghệ cao trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2015 tới nay, doanh nghiệp này vẫn dừng chân ở vai trò cung cấp các dịch vụ đặc thù liên quan đến tuân thủ quy định về kiểm tra chất lượng nhà nước, chứng nhận hợp quy và tư vấn thủ tục xin giấy phép cho các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ việc xuất nhập khẩu của các tập đoàn FDI.

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/19/doanh-nghiep-viet-nam-2.jpg

Ông Trần Thanh Phương trong lễ nhận giải thưởng SME100 Asia 2023

“Những lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, tranh chấp thương mại quốc tế vẫn nằm trong tay các công ty luật nước ngoài” - Ông Trần Thanh Phương cho biết.

Sân chơi rõ ràng là còn rất lớn. Để có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI và vươn ra thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định rõ hướng đi cho tương lai. Đó là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và không ngừng học hỏi, đổi mới để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của thị trường quốc tế.

P.V

Theo Báo Tiền Phong