Tài chính ngân hàng

Ngành ngân hàng trầm lắng với những bước nhích chậm của tín dụng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng nhích từng bước. Hoạt động huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm cũng kém sôi động khi lãi suất quá thấp, thiếu đi sự cạnh tranh. Nợ xấu cao khiến lợi nhuận ngân hàng quý IV và cả năm 2023 được dự báo có mức tăng trưởng thấp.

Tăng trưởng tín dụng khó càng thêm khó

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, tín dụng tăng chậm là thực tế đã được ghi nhận ngay từ đầu năm 2023. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 13/12 đạt 9,87%. Con số này cải thiện hơn rất nhiều so với mức 6,92% đạt được vào cuối tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành.

Lãnh đạo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, có 6 nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm 2023 vẫn còn thấp, đó là: đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/21/nganh-ngan-hang.jpg

Cùng với đó là những khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay;

Khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án;

Cuối cùng là vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất.

Nhằm thúc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, trong tháng 12, Thủ tướng cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 38 ngân hàng thương mại cùng nhiều bộ ban ngành có liên quan để tìm cách khơi thông dòng vốn. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, nhiều bộ ngành, cơ quan có liên quan và cả doanh nghiệp, người dân cũng được kêu gọi phải đồng lòng để thực hiện mục tiêu đề ra.

Tuy tín dụng vào cuối năm thường tăng nhanh hơn bình thường nhưng khi chỉ còn 10 ngày nữa là năm 2023 sẽ khép lại, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 14% là khó khả thi. Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia phân tích dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 10% - 12%.

Cuộc đua hạ lãi suất vẫn chưa dừng lại

Thông thường, những tháng cuối năm, các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động để tăng thanh khoản, đẩy mạnh cho vay. Thế nhưng năm nay, diễn biến này đi ngược lại, khi các ngân hàng liên tục công bố hạ lãi suất huy động.

Mới đây nhất, ngày 19/12, VIB tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 36 tháng. Đây là lần thứ 3 trong tháng, VIB giảm lãi suất huy động. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động trong hai ngày liên tiếp (14 và 15/12).

Tương tự, ngân hàng VPBank (VPB) cũng vừa giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 12 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng, ngân hàng này thực hiện giảm lãi suất huy động. Theo đó, đối với tiền gửi trực tuyến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng tại VPBank giảm 0,3%/năm xuống chỉ còn 4,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% còn 5,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng giảm 0,1% còn 5,2%/năm.

Cũng trong ngày 19/12, Saigonbank (SGB) giảm lãi suất ở các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng, qua đó trở thành ngân hàng thứ 18 giảm lãi suất kể từ đầu tháng. Với việc điều chỉnh lãi suất, biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất của Saigonbank cao nhất 12 tháng là 5,1%; thấp nhất ở kỳ hạn 1 - 3 tháng là 3,2 - 3,4%.

Như vậy, kể từ đầu tháng 12 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động là HDBank (HDB), Techcombank (TCB), Eximbank (EIB), KienLongBank (KLB), SCB, PGBank (PGB), MBB, MSB, NamA Bank (NAB), ABBank (ABB), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VIB, VPBank, TPBank (TPB), Saigonbank. Trong đó, MB, Eximbank, SCB, Techcombank, VPBank là những ngân hàng đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng. Đặc biệt, BIDV và VIB có tới 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/21/nganh-ngan-hang-1.png

Ghi nhận biểu lãi suất các ngân hàng ngày 19/12, lãi suất PVcombank đang dẫn đầu thị trường kỳ hạn 13 tháng. Cụ thể, PVcomBank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất kì hạn 13 tháng là 10,5%/năm đối với sản phẩm tiết kiệm đại chúng, áp dụng gửi tiết kiệm tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Theo sau, HDBank áp dụng mức 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng. Trong khi đó, OceanBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 13 tháng ở mức 5,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online, lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng lớn hạ thấp lãi suất huy động cũng phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngân hàng lớn đã có mức huy động vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối lớn, nhưng khả năng sử dụng các nguồn vốn này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận chưa được như mong muốn. Vì thế, lượng tiền tệ tồn kho trong các ngân hàng lớn cũng tương đối cao. Để giải quyết vấn đề này và phù hợp thực tiễn, các ngân hàng lớn quyết định hạ thấp hơn lãi suất huy động so với thời gian trước đây và có thể nói, đây là mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nợ xấu bắt đầu ăn mòn lợi nhuận ngân hàng

Trong 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa qua mốc 50% kế hoạch năm, thậm chí có ngân hàng mới thực hiện được 15-30%. Phần còn lại đã hoàn tất được 50-60% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết nhà băng chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, mà vẫn kỳ vọng trong quý còn lại của năm.

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/21/nganh-ngan-hang-2.png

Thống kê 27/29 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 tăng từ 2,09% lên 2,24%. Nếu quan sát mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) và nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2 trở lên), thì mức gia tăng trong nợ quá hạn nhanh hơn nhiều so với nợ xấu trong những quý gần đây.

Dư nợ của các ngân hàng niêm yết hiện chiếm 60 - 70%, chưa bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là mức rất cao. Khi chất lượng bị suy giảm thì chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ gia tăng. Trong giai đoạn bình thường, chi phí dự phòng chiếm trên 20% thu nhập các ngân hàng kiếm được, do vậy chất lượng tài sản là yếu tố đang được quan tâm.

Năm 2024 sẽ là năm khó đối với các ngân hàng, trong đó, nợ xấu sẽ ăn mòn lợi nhuận. Nhưng các ngân hàng dần cạn của để dành, nên khó tăng trích dự phòng ở mức cao, làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

https://cdn.stockproxx.com/2023/12/21/nganh-ngan-hang-3.png

Tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các NHTM đều tăng trong khi tỷ lệ dự phòng/nợ xấu giảm vào cuối quý3/2023. 

Theo dự báo của SSI Research, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024 với giả định tăng trưởng tín dụng năm sau khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng vào nửa cuối năm sau, khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng gặp áp lực lớn trong năm 2023, khi chi phí đầu vào lớn, nhưng sang năm 2024, kỳ vọng áp lực sẽ giảm dần do mức lãi suất trung bình thấp hơn. Ngoài ra, thu nhập từ phí của ngân hàng năm 2023 yếu, tạo cơ sở để năm 2024, các ngân hàng sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trung Anh

Theo Thương Trường