Chứng khoán

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 15%, doanh nghiệp Việt tăng tốc đẩy mặt hàng tỷ USD trước 'giờ G' thuế Mỹ

Nếu mức thuế 46% của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/7 như dự kiến, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với biến động lớn về chi phí và lợi nhuận. Để ứng phó, các công ty đã tăng tốc xuất hàng ngay từ quý I và đầu quý II nhằm tận dụng tối đa giai đoạn “trước thuế”.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm 15% sau “đòn thuế” 46%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2025 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng đến từ các nhóm mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và nhuyễn thể. Trong đó, tôm phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch 1,27 tỷ USD, tăng 30%, nhờ giá cả dần ổn định và nhu cầu tăng trở lại tại các thị trường như Trung Quốc, EU và Nhật Bản.

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 15%, doanh nghiệp Việt tăng tốc đẩy mặt hàng tỷ USD trước 'giờ G' thuế Mỹ
Nguồn: VASEP

Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng tích cực là sự phân hóa rõ rệt giữa các thị trường. Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam, đạt gần 710 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng mạnh nhất trong nhóm các thị trường lớn.

Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 536 triệu USD, tăng 22%, nhờ nhu cầu ổn định và lợi thế ở các sản phẩm giá trị gia tăng. Trong khi đó, Mỹ tụt xuống vị trí thứ ba với kim ngạch nhập khẩu 498 triệu USD, chỉ tăng 7%. Đáng chú ý, riêng tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chỉ đạt hơn 120 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

VASEP nhận định, nếu chính sách thuế được áp dụng từ ngày 9/7 như dự kiến, cấu trúc chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, nhiều công ty đã chủ động tăng tốc xuất hàng trong quý I và đầu quý II để tận dụng khoảng thời gian “trước thuế”.

Hiệp hội dự báo trong 2 tháng tới, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có thể tăng 10–15% so với tháng 4 nhờ các đơn hàng ký gấp và chính sách giá linh hoạt nhằm duy trì thị phần.

Doanh nghiệp thủy sản tìm cách ứng phó

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) – một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam – cho biết đang xem xét khả năng rút khỏi thị trường Mỹ nếu mức thuế 46% chính thức được áp dụng. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh thâm nhập các thị trường như Canada, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực đánh giá Trung Quốc cũng là thị trường đầy tiềm năng và đang được theo dõi để khai thác khi có điều kiện phù hợp.

Trong quý I, Sao Ta và công ty con đã xuất khẩu hơn 46 triệu USD sang Mỹ; tính đến hiện tại, tổng giá trị xuất hàng trong 40 ngày gần nhất có thể đạt khoảng 60 triệu USD. Đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 90 ngày hoãn thuế là bước đi chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro.

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) – doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành cá tra – cũng duy trì kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian trước khi thuế có hiệu lực. Cùng với đó, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đã được điều chỉnh giảm 226 tỷ đồng so với năm trước, cho thấy sự thận trọng trước các bất ổn chính sách.

Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh nhấn mạnh: “Việc áp thuế 10% hay 46% đều cần thời gian để kiểm chứng sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi luôn xác định thuế nhập khẩu là trách nhiệm của bên nhập khẩu, rất khó để nhà xuất khẩu chia sẻ phần chi phí này”.

Vĩnh Hoàn tỏ ra tự tin với năng lực cạnh tranh nhờ vị thế dẫn đầu trong ngành cá tra. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định chưa có lý do để bi quan hay rút lui khỏi thị trường Mỹ và sẽ tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế để gia tăng xuất khẩu.

Thu Huyền - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư