Tại Trung Quốc, một số thương hiệu lại sử dụng nhãn mác bằng tiếng Thái một cách sai lệch như “gạo thơm Thái Lan” hoặc kết hợp cả hai như “gạo thơm Campuchia - Thái Lan”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Mới đây, bà Sunanta Kangvalkulkij, Tổng Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho biết đã nhận được báo cáo từ cộng đồng người Thái tại Trung Quốc phản ánh việc gạo Campuchia được bày bán tràn lan tại các siêu thị Trung Quốc với bao bì in cờ Thái Lan và biểu tượng rất giống chứng nhận chính thức dành cho gạo thơm Thái Lan.
Chứng nhận này, với hình bông lúa vàng trên nền xanh lá cây, do Cục Ngoại thương Thái Lan cấp nhằm xác thực chất lượng gạo thơm chính gốc Thái Lan.

Các cơ quan liên quan đã tiến hành điều tra sâu hơn, cả trực tiếp tại các điểm bán lẫn trên các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, JD.com và Pinduoduo. Kết quả cho thấy phần lớn số gạo này có nguồn gốc từ Campuchia, với nhãn tiếng Trung ghi rõ “gạo thơm Campuchia”.
Tuy nhiên, một số thương hiệu lại sử dụng nhãn mác bằng tiếng Thái một cách sai lệch như “gạo thơm Thái Lan” hoặc kết hợp cả hai như “gạo thơm Campuchia - Thái Lan”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng Trung Quốc rằng sản phẩm này là gạo nhập khẩu chính gốc từ Thái Lan hoặc là gạo thơm Thái thật sự.
Bà Sunanta cho biết, Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan đã chỉ đạo 7 văn phòng đại diện tại Trung Quốc, đặt tại Thành Đô, Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu, Hạ Môn, Thượng Hải và Thanh Đảo triển khai 4 biện pháp chính. Trong đó có việc phối hợp với các nhà nhập khẩu gạo Thái và các nền tảng thương mại điện tử để ngừng bán các sản phẩm gạo đóng gói sai quy chuẩn và đảm bảo nhãn mác chính xác.
Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết thiết kế chính thức của gạo thơm Thái Lan với biểu tượng bông lúa vàng trên nền xanh lá cây in trên bao bì sản phẩm nông sản nổi tiếng này do Cục Ngoại thương Thái Lan cấp.

Các biện pháp tiếp theo bao gồm hợp tác với Văn phòng Thương mại Thái Lan tại Bắc Kinh để làm việc với Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR), thúc đẩy kiểm soát đối với những sản phẩm có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Đồng thời, theo báo KhaoSod, Bộ Thương mại Thái Lan đang xem xét khả năng khởi kiện các trường hợp vi phạm về quảng cáo sai sự thật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và vi phạm luật chất lượng sản phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc và các văn phòng tiếp thị tại thị trường này.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục theo sát vụ việc và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan nhằm bảo vệ uy tín của gạo thơm Thái Lan và duy trì lòng tin của người tiêu dùng tại thị trường quốc tế.
Theo The Thaiger
Đăng Đức - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận