Tài chính ngân hàng

Giá vàng rời đỉnh lịch sử giữa tín hiệu bất ngờ từ Mỹ và Trung Quốc

Sau khi lập đỉnh lịch sử 3.500 USD/ounce vào tuần trước, giá vàng trong phiên giao dịch đầu tuần này đã giảm hơn 1%.

Giá vàng thế giới đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng ngày 28/4 (giờ Việt Nam), khi tâm lý lạc quan về khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, làm giảm nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng. Đồng USD mạnh lên cũng tạo thêm áp lực khiến giá vàng tiếp tục suy yếu.

Cụ thể, lúc 10h00 sáng 28/4, giá vàng giao ngay giảm 1,12%, xuống còn 3.281 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá vàng lùi sâu xuống mốc 3.268 USD/ounce.

Trong tuần trước, vàng từng lập đỉnh lịch sử ở mức 3.500 USD/ounce.

Giá vàng rời đỉnh lịch sử giữa tín hiệu bất ngờ từ Mỹ và Trung Quốc
Giá vàng giảm xuống dưới mốc 3.300 USD/ounce

Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ lớn đã tăng 0,3%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ khác.

"Thị trường tài chính, đặc biệt là các tài sản rủi ro, đang có tâm lý tích cực hơn về triển vọng thuế quan so với thời điểm hỗn loạn đầu tháng 4", ông Tim Waterer, chuyên gia phân tích trưởng tại KCM Trade nhận định. "Những tuyên bố từ Nhà Trắng tuần trước đã thắp lên kỳ vọng rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể đạt được, từ đó khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng giảm sút".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xác nhận các cuộc đàm phán thuế quan với Trung Quốc đang được tiến hành. Trước đó, chính quyền Trump đã phát tín hiệu sẵn sàng tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm căng thẳng thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động thái được thị trường kỳ vọng sẽ giúp tránh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc hôm 26/4 thông báo miễn trừ thuế cho một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, dù nước này nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Trump rằng hai bên đã nối lại đàm phán.

Giới chuyên gia lưu ý, vàng - vốn được xem là kênh trú ẩn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị thường diễn biến tích cực trong môi trường lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tuần qua cũng nhận định, chính quyền Trump vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong các yêu cầu đối với các đối tác thương mại bị áp thuế.

Tuần này, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo số lượng việc làm mới (JOLTs) vào thứ Ba, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào thứ Tư và báo cáo việc làm phi nông nghiệp (Non-farm Payrolls) vào thứ Sáu. Các số liệu này có thể cung cấp thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chi Hạ - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư